Năm 2019, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu và 6 tháng đầu năm 2020 đã xử lý được 56,96 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, Ngân hàng Nhà nước ước tính, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41%. Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2019).
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới, dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, khiến mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% trong năm 2020 trở nên khó thực hiện.
Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, đến cuối năm nay, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% vào cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho Công ty Mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Đáng chú ý, gần đây, nhiều tài sản thế chấp giá trị lớn được ngân hàng đem ra đấu giá để thu hồi nợ nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc "đẩy hàng" ra thị trường không dễ.
Đơn cử, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) muốn rao bán tài sản thế chấp lớn là Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để xử lý, thu hồi nợ. Tuy nhiên, bất động sản này thuộc đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên việc bán đấu giá đang tạm dừng theo yêu cầu của UBND TP.HCM nhằm tiến hành rà soát các vấn đề pháp lý theo quy định.
Không chỉ các dự án bất động sản, mà hàng loạt ôtô, nhà xưởng, máy móc, thiết bị tới tàu biển… cũng được các ngân hàng phát mại trong thời gian gần đây.
Ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho hay, dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Ngành ngân hàng sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 để làm cơ sở xây dựng đề án tiếp theo trong giai đoạn 5 năm tới.
Nhìn ở góc độ thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng khi các ngân hàng cùng phát mại tài sản thế chấp, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn. Đặc biệt, sau mỗi lần rao bán không thành công, giá của khoản nợ được giảm dần về sát giá thị trường. Đây là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư, doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng chưa biết đầu tư vào đâu.
Hoàng Hà