Tại cuộc họp bàn thống nhất về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh ngày 15/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngân hàng đồng lòng giảm lãi suất
Trong khoảng 2 tháng gần đây, các ngân hàng đồng loạt lao vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động. "Cuộc đua" này khốc liệt đến nỗi, ngay cả 4 ngân hàng thương mại lớn thuộc nhóm nhà nước cũng buộc phải tham gia.
Các ngân hàng đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức cao nhất 9,5% trên tất cả các kỳ hạn. |
Trong tháng 12, hàng loạt ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động, có thể kể đến như: ABBank tăng 2,7%/năm, Bac A Bank tăng 1,6%/năm, DongA Bank tăng 1,55%, Sacombank tăng 1,5%/năm… Hiện, lãi suất theo niêm yết tại Bac A Bank là 9,8%/năm, DongA Bank 9,85%/năm...
Nhưng đây chỉ là lãi suất trên biểu niêm yết chính thức. Mức lãi suất này còn cách xa so với lãi thỏa thuận tại quầy của nhiều ngân hàng.
Đơn cử, ngân hàng NCB trả lãi cao nhất 12,25%/ năm cho kỳ hạn từ 12 tháng. Một số ngân hàng như: VPBank, BaoVietBank, SHB, Kienlongbank, MSB, Pvcombank cũng đang áp dụng mức lãi thỏa thuận trên 11%/năm. Dịp cuối năm, các nhà băng còn tặng thêm quà cho người gửi tiết kiệm như: đồ da dụng, lịch, phiếu mua hàng
Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, một số NHTM điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.
Để ổn định thị trường, đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, hiện đã có 100% hội viên của Hiệp hội ngân hàng đồng thuận ở cả hai nội dung.
Thứ nhất, đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức cao nhất 9,5% trên tất cả các kỳ hạn trong đó ko được thưởng liên quan đến lãi suất. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa cá tổ chức tín dụng.
Thứ hai, bên cạnh đồng thuận giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, các tổ chức tín dụng cũng rất đồng thuận ngoài việc đảm bảo giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng đã khẳng định không để thiếu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.
Sẽ giám sát và có cơ chế thưởng, phạt
Nhằm đảm bảo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết đồng thuận, Hiệp hội Ngân hàng cho biết sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của NHNN theo dõi đánh giá tổng kết quá trình tổ chức thực hiện đối với ngân hàng cam kết. Từ kết quả thực hiện cam kết này để đề xuất chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các ngân hàng trên cơ sở khuyến khích các đơn vị thực hiện nghiêm túc đồng thuận giảm lãi suất cũng như thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Trao đổi thêm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Về việc giảm lãi suất, đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ".
Các biện pháp hỗ trợ ở đây, theo lãnh đạo NHNN, là hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ...
Theo Phó Thống đốc, giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng ngược lại, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, cổ đông phải chia sẻ. Tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Liên quan đến thanh khoản hiện nay, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng khẳng định, thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu. Tuy vậy, vẫn còn “chỗ này, chỗ kia thiếu thanh khoản và đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các TCTD không được như trước dẫn đến thị trường liên ngân hàng có lúc bị chao đảo thậm chí hoạt động không được thông suốt như trước.
“Có lúc, có nơi, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra. Tuy nhiên, NHNN đã nhận thấy và kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp như cho vay qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng... Hoạt động bơm vốn kịp thời, hài hòa của NHNN đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ổn định. Dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm phải tập trung củng cố thanh khoản và mong muốn NHNN tiếp tục hỗ trợ thêm về thanh khoản cho hệ thống thông qua các công cụ khác nhau, khi đó ngân hàng mới có nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế”, ông Hùng nói.
Huyền Anh