Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021 các ngân hàng vẫn có lãi lớn, nên dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Tại dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, trong đó liên quan đến chính sách tiền tệ Nghị quyết có quy định: “Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 đến 1% trong 2 năm”.
Cũng tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết cuối tuần qua trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu đề nghị cần có chính sách điều tiết thu nhập của các tổ chức tín dụng để chia sẻ rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có lãi lớn, còn dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các TCTD đã giảm cả lãi, cả phí khoảng gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của TCTD để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều chuyên gia cũng đã “hiến kế” để NHNN tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, NHNN nên tiếp tục thực hiện Thông tư 14/2021/TT-NHNN; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp); giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn; phấn đấu giảm thêm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay bình quân. Đặc biệt cần sớm luật hóa xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, NHNN cần linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023 (bao gồm cả phần tín dụng có hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế).
Với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của ngành ngân hàng, nên sau khi dịch COVID-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành, cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm mặt hàng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm là 0,8%. Trên thực tế thì động viên, khuyến khích tổ chức tín dụng miễn giảm lãi vay và giảm phí.
“Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm lãi, phí gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân”, bà Hồng cho hay.
Hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là vấn đề thực sự khó khăn.
Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cũng cân nhắc và đưa ra giải pháp, phấn đấu để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Với một số công cụ khác như dự trữ bắt buộc, NHNN sẽ tiếp thu và điều hành linh hoạt, có lúc tăng, lúc giảm vì hiện nay thanh khoản đang dư thừa.
Thanh Hoa