Các công ty chứng khoán dự báo, do nhiều yếu tố bất lợi vẫn còn hiện hữu, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cao như các năm trước là 14%. Vì vậy, những ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay thời gian qua sẽ có lợi thế.
Thanh khoản ngân hàng đã cải thiện
Khoảng 200.000 tỷ đồng là số dư tiền dự kiến tăng thêm cho nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Cộng cả room cũ đang còn, hạn mức tín dụng còn lại cho tháng 12/2022 là khoảng 400.000 tỷ đồng
Ngay sau khi được phân bổ thêm hạn mức, các ngân hàng đã có kế hoạch giải ngân. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank cho biết: "Ngay sau khi được nới room tín dụng, ngân hàng đã thực hiện rà soát và phân bổ hạn mức tín dụng được tăng thêm vào các lĩnh vực, ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu".
Agribank thực hiện giảm 20% trên mức lãi suất đang cho vay, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng. |
Tại LienVietPostBank, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch phân bổ hạn mức tín dụng được tăng thêm khoảng hơn 3.000 tỷ cho các phòng giao dịch trên địa bàn các huyện để hỗ trợ cho người dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động nông nghiệp, nông thôn dịp cuối năm".
Theo các chuyên gia, việc nới room tín dụng là động thái tích cực cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Đánh giá về tình hình thanh khoản trên hệ thống, theo công ty chứng khoán SSI Research đã có tín hiệu dịu lại về cuối tháng, nhờ các nghiệp vụ thị trường mở được điều tiết linh hoạt cũng như các doanh nghiệp phát hành đã phần nào giải quyết tạm thời các vấn đề liên quan đến việc gia hạn/giãn/cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tháng. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 – 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 350 – 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ ngân hàng Nhà nước (tính đến cuối tháng 10) vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.
Ngân hàng tích cực giảm lãi suất để "nhận thưởng"
Trái ngược lại, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, hay thậm chí còn giảm nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Trên thực tế, trong vòng vài ngày qua, 6 ngân hàng gồm: HDBank, Vietcombank, Agribank, ACB, MB, ABBank đã công bố việc giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% - 3,5%/năm đối với các khoản vay VND đối với một số nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ ngày 1/11 - 31/12.
Bên cạnh việc chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng phải giữ lãi suất cho vay thấp là vì đáp ứng các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Tăng thêm hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Trong nhóm các ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng hầu hết là các nhà băng vừa thực hiện giảm lãi suất cho vay. Điển hình, ABBank đang dành 350 tỷ đồng để ưu đãi cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh, với mức lãi tối đa 5,5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất huy động vào. Dù áp lực tăng lãi suất là không nhỏ, nhưng ngân hàng cho biết vẫn phải giữ mặt bằng lãi suất cho vay thấp để được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tín dụng.
"Mục tiêu ngân hàng đặt ra là cải thiện xếp hạng trong năm tới, là cơ sở để ngân hàng có được room tín dụng cao hơn trong năm 2023. Để đạt được điều đó, một trong những tiêu chí Ngân hàng Nhà nước đánh giá khi cấp room tín dụng cho khách hàng là mặt bằng lãi suất cho vay ở mức không cao hơn các năm trước", bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank cho hay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, tại Agribank cũng thực hiện giảm 20% trên mức lãi suất đang cho vay, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng. "Khách hàng không phải thực hiện bất kỳ hồ sơ nào, chi nhánh chủ động điều chỉnh giảm trên hệ thống kế toán của ngân hàng. Riêng đợt này dự kiến có 1.000 tỷ đồng được ngân hàng trích từ lợi nhuận hỗ trợ cho khách hàng", bà Nguyễn Thị Phượng nói.
Huyền Anh