Ngay từ khi Quốc hội khoá XV chưa khai mạc kỳ họp thứ 5, ở các phiên thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khó khăn của nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng đã được đặc biệt quan tâm.
Những “con số biết nói”
Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.
Khó khăn nhất là tìm được điểm hài hòa để vừa hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. |
Cụ thể, trong tổng số 10.000 doanh nghiệp được khảo sát, có đến 82,3% doanh nghiệp cho biết dự kiến phải giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Đối với các doanh nghiệp còn trụ lại thị trường, 71,2% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô lao động với mức giảm hơn 5%; 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu với mức giảm hơn 5%, trong đó tỷ lệ giảm doanh thu hơn 50% là 29,4% doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho biết, trong khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ở thị trường, đơn hàng, thì doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn do thủ tục vay vốn phức tạp và nhiều trường hợp ngân hàng yêu cầu thêm phí hoặc gợi ý mua bảo hiểm.
Trong phiên thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh: Doanh nghiệp đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục.
“Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn còn cao), tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp”, ông An nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) khẳng định, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp.
Do đó, các đại biểu cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Hạ chuẩn tín dụng, nên hay không?
Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Tuy vậy, trong bối cảnh rủi ro tăng cao, việc hạ chuẩn tín dụng, nới lỏng điều kiện vay có thể làm gia tăng nguy cơ nợ xấu ngân hàng. Việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu cũng có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt, song sẽ đẩy rủi ro về tương lai.
Trả lời báo chí liên quan đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn nhất với cơ quan này là phải tìm được điểm hài hòa để vừa hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Theo Phó thống đốc, khó khăn của nền kinh tế là khó khăn tổng thể, trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng.
Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống.
Theo lãnh đạo NHNN, bài toán khó đặt ra ở đây là phải tìm được điểm hài hoà: hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống ngân hàng.
Phó Thống đốc cho biết: Những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo tiếp tục còn nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước. Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước, nhiều ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách lãi suất cao, giá hàng hóa thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước những rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực lạm phát vẫn còn, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Huyền Anh