Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc VietinBank |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng ngân hàng cũng đi vay vốn từ dân cư và doanh nghiệp, nên phải đảm bảo an toàn nguồn vốn vay của mình. Do đó tinh thần các khoản vay vẫn phải trả nợ, đảm bảo khả năng trả nợ cả gốc và lãi. Do đó việc không hạ chuẩn tín dụng cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình cho vay doanh nghiệp.
Thưa ông, trong thời gian qua Vietinbank đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 như thế nào?
VietinBank tiên phong trong việc ban hành các văn bản chính sách để hỗ trợ và chia sẻ với doanh nghiệp khó khăn trong dịch Covid-19. Khi Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị, ngay lập tức VietinBank đã ban hành các văn bản hướng dẫn để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất trong việc khắc phục khó khăn do dịch bệnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, cùng với các ngân hàng thương mại khác VietinBank đã xác định trong năm 2020 sẽ tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận ngân hàng từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài ra, trên tinh thần Thông tư 01, đến thời điểm hiện nay VietinBank vẫn giải ngân cho các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện ứng dụng và các phương án vay mới.
Hiện nay, với các doanh nghiệp có đủ khả năng trả nợ gốc và lãi, VietinBank đã giải ngân cho hơn 11.000 khách hàng. Tổng dư nợ giải ngân mới lên đến 137.000 tỷ đồng. Đồng thời, VietinBank cũng đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 1.300 khách hàng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 55.000 tỷ đồng.
Điều này thể hiện sự đồng hành chia sẻ của VietinBank nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đề xuất ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay. Vậy, Vietinbank sẽ xoay sở như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo an toàn hoạt động và tránh rủi ro, thưa ông?
Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, do đó chúng tôi cũng cần phải huy động các nguồn vốn, trong bối cảnh này rất khó khăn huy động nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường, doanh nghiệp, người dân những khoản vay ưu đãi nhất, cũng như các chương trình các ngân hàng đã ban hành trong suốt thời gian qua.
Thực tế, hiện nay lãi suất ngân hàng đã giảm từ 2 - 2,5%/năm so với trước đây. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đi vay vốn từ dân cư và doanh nghiệp, nên phải đảm bảo an toàn nguồn vốn vay của mình, đảm bảo khả năng trả nợ cả gốc và lãi. Do đó việc không hạ chuẩn tín dụng cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình cho vay doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước và có hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại?.
Việc giảm lãi suất điều hành là tín hiệu rất tốt cho các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân. Một mặt, điều này cũng thể hiện việc điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và phù hợp trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Mặt khác, nguồn thanh khoản của ngân hàng thương mại cũng rất dồi dào nên việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành cũng là một tín hiệu cho các ngân hàng thương mại cũng như thị trường. Ngành ngân hàng cũng sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Hiện nay nguồn vốn cung cấp cho thị trường của VietinBank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung chủ yếu từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Do đó, các ngân hàng sẽ cố gắng tiết giảm chi phí và huy động các nguồn vốn giá rẻ, qua đó mới có điều kiện tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường các khoản vay có lãi suất thấp hơn.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hoa thực hiện