Đến cuối tháng 7 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.
Điểm nghẽn trong hấp thụ vốn của doanh nghiệp
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI), chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ các quỹ.
Về nguyên nhân, theo đại diện CIEM, do vẫn còn một số hạn chế tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa hiệu quả. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng. |
Ngoài ra, năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự "lệch pha" của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. Cụ thể, ở phía ngân hàng, nhiều ngân hàng cẩn trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng khi những lo ngại về nợ xấu, thậm chí mất vốn đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất thuận.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay không đủ điều kiện vay vì nợ xấu, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh.
"Do đó, để giải quyết được bài toán vĩ mô này cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn", TS Nguyễn Minh Thảo nói.
Dẫn chứng thêm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải hiện nay là ở sự đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách.
Chẳng hạn, trong khi Chính phủ và NHNN quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên.
Ông Tuấn cũng cho rằng, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác. "Nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn nhất là phải chờ đợi các quyết định hành chính mà không biết chờ đến lúc nào. Cần sự đồng bộ chính sách của nhiều ngành để đẩy nhanh tốc độ của quyết định hành chính", ông Tuấn nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Tuấn khẳng định chính sách hỗ trợ lãi suất đã tốt nhưng nếu thực thi không nhanh, không mạnh, không tốt thì chắc chắn hiệu ứng của chính sách sẽ bị giảm đi nhiều.
Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB khẳng định: "Ở góc độ là một ngân hàng thương mại, ACB luôn mong muốn các doanh nghiệp hoạt động một cách khỏe mạnh. Ngân hàng bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi".
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất, cụ thể là gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Ngô Tấn Long thừa nhận, mức độ tiếp cận doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng, một phần do sự e ngại của doanh nghiệp. ACB đã triển khai gói hỗ trợ này khắp các tất cả các tỉnh, thành trong hệ thống ngân hàng và đã giải ngân được khoảng 1.600 tỷ đồng.
Ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp thua lỗ vay
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận: “Chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn hiện nay nhưng cũng cần bình tĩnh để chia sẻ với Chính phủ, các bộ ngành lúc này, vì chính sách đã rất quyết liệt, hàng ngày hàng giờ, mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không trầm lắng, giải quyết được an sinh xã hội".
Trong quá trình triển khai, lãnh đạo một số nhà băng cho biết, các ngân hàng cũng gặp khó trong việc đánh giá hiệu quả cho vay vì không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.Vì vậy với những doanh nghiệp có báo cáo tài chính rõ ràng, có phương án khắc phục lỗ, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, số lượng ngân hàng vay vốn theo diện này cũng rất ít.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng muốn thúc đẩy tín dụng, cần phải có những giải pháp tổng thể, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, về cầu tiêu dùng, hay những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm tồn kho, tăng đơn hàng, như vậy mới tăng nhu cầu vay vốn của thị trường.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, giải pháp trong tình thế hiện nay không thể chỉ đến từ ngành ngân hàng, mà còn phải đến từ chính sách tài khoá.
Lấy ví dụ về một nghiên cứu công bố gần đây, ông Trần Đức Nghĩa cho biết, nếu giải ngân đầu tư công đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên tới 13,2%. Đây là một nguồn vốn cực kỳ quan trọng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa đề nghị tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nếu số tiền này được giải ngân, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực lớn để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng mong muốn có được sự ổn định về điều kiện kinh tế vĩ mô, bên cạnh sự ổn định về mặt bằng lãi suất, tỷ giá. Sự ổn định sẽ giúp doanh nghiệp có được niềm tin để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh”, ông Trần Đức Nghĩa nói.
Huyền Anh