Trong quý II/2020, nợ xấu tại các ngân hàng tăng mạnh. |
Các ngân hàng đang rầm rộ công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với lợi nhuận hết sức khả quan. Tuy nhiên, số nợ nhóm 2, nhóm 3 đột ngột tăng mạnh.
Nợ xấu chưa thực chất
Thực tế, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II/2020 của hầu hết các ngân hàng thương mại đều cho thấy, nợ xấu tăng lên rất mạnh, đặc biệt là nợ nghi ngờ.
Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Saigonbank, đến hết 30/6, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.
Tương tự, tổng nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6 tăng so với đầu năm nay khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,29% lên mức 1,47%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lần lượt tăng 47% và 22%. Riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm.
Tại Kienlongbank, tổng nợ xấu đến hết quý II/2020 gấp 6,6 lần so với đầu năm, tăng lên mức 2.250 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 gấp 9 lần đầu năm, ghi nhận gần 2.146 tỷ đồng.
Theo giải trình của Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn, có 1.896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định 2595/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Kienlongbank tăng mạnh từ 1,02% lên 6,59%.
Sacombank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó đáng lưu ý nợ xấu có nguy cơ tăng lên rất nhanh. Cụ thể, nợ cần chú ý của Sacombank tăng tới 63%, trong khi nợ nhóm 3 cũng tăng gần 3 lần. Điều này khiến ngân hàng phải tăng mạnh 50% trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm.
Tại ngày 30/6/2020, nợ xấu của ACB là 1.918 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.
Về chất lượng cho vay, đến hết tháng 6, tổng nợ xấu của VietBank tăng 50% so với đầu năm, ghi nhận gần 807 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 72%, nợ có khả năng mất vốn tăng 51%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ mức 1,32% hồi đầu năm lên 1,88%.
Dù con số nợ xấu trong quý II của các ngân hàng tăng mạnh so với quý I, song nhiều chuyên gia cho rằng con số nay chưa hẳn đã chính xác. Bởi hiện nay, các ngân hàng vẫn tiếp tục cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Mặt khác, dư nợ được cơ cấu lại vẫn được tính là nợ đạt tiêu chuẩn, nhà băng không chuyển nhóm nợ, cũng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ này. Chính vì vậy, khi chính sách thay đổi (hết hạn cơ cấu nợ), thì nợ xấu có nguy cơ ập đến, "bào mòn" lợi nhuận ngân hàng.
Thận trọng với nợ được cơ cấu lại
Theo nhận định của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động tài chính - ngân hàng thường có độ trễ. Vì vậy, nợ xấu sẽ nhìn rõ nhất cuối năm nay.
Chuyên gia này dự đoán nợ xấu nội bảng tăng nhanh, có thể đến 4%, nợ xấu gộp dự báo lên đến khoảng 6% cuối năm 2020, và còn cao trong năm 2021 khi Thông tư 01 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, "bức tranh nợ xấu" và "sức khỏe" nhà băng trở nên khó đánh giá hơn khi diễn biến dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp. Đặc biệt hiện nay, dịch bệnh đang có nguy cơ quay trở lại khi một số ca lây nhiễm trong cộng đồng vừa được phát hiện
Thực tế, lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn, nếu sau này Thông tư 01 hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ trở tay không kịp.
"Dù Thông tư 01 cho phép nhà băng không phải chuyển nhóm nợ, không phải trích lập dự phòng, song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng. Tuy vậy, giải pháp này chỉ phù hợp với những ngân hàng dồi dào tài chính. Bởi trên thực tế, trong quý II, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro", ông Hiếu nói.
Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh thị trường có dịch bệnh thì nợ xấu tăng là điều khó tránh, nhưng chỉ chấp nhận ở một mức phù hợp, chứ không thể quay lại bài toán nợ xấu cao như thời điểm trước đây.
Vì vậy, để kiểm soát nợ xấu, giới chuyên gia cho rằng, ngân hàng khi cho vay phải thẩm định kỹ, lường trước rủi ro và có trích lập dự phòng với tỷ lệ nhất định, đặc biệt không hạ chuẩn cho vay. Tuy nhiên, Covid-19 là sự cố không thể lường trước, nên không loại trừ nợ xấu của nhiều ngân hàng sẽ tăng mạnh.
Huyền Anh