Tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. |
Theo giới phân tích, quý II được xem là trọng điểm đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Và đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, cho thấy một số nhà băng có kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận khả quan, song tác động từ dịch bệnh vẫn hiện hữu khi số liệu nợ xấu không ngừng tăng lên.
Nhà băng đối mặt với nhiều khó khăn
Có thể thấy, hơn 3 tháng qua, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng, giảm lãi suất, triển khai các chương trình cho vay ưu đãi.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến 13/7/2020, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 154 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng; cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trước tác động của dịch bệnh, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên các TCTD cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Nhiều khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các TCTD.
“Mặc dù các TCTD đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước”, ông Hùng cho hay.
Điều chỉnh giảm tỷ trọng tín dụng
Quả thực, nhìn vào báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng có thể thấy, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng doanh thu trong kỳ vẫn tăng trưởng tốt nhờ tận dụng các cơ hội kinh doanh từ mảng bảo hiểm, dịch vụ và tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, bên cạnh một số “điểm sáng”, vẫn còn những mảng màu ảm đạm bủa vây ngành ngân hàng, đó là tăng trưởng tín dụng ì ạch, nợ xấu gia tăng.
Theo số liệu báo cáo của NHNN, nửa đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng trên 2%, chưa bằng 1/2 cùng kỳ năm 2019. Sức cầu rất thấp mặc dù hệ thống ngân hàng đã rất tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5 - 2,5%, thậm chí có đơn vị còn giảm lãi suất cho vay tới 3 - 4%/năm.
Các chuyên gia đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 là khó có thể đạt được.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Các ngân hàng cho biết, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn ngày càng tăng, nên đã làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, khả năng ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu (tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi. Dự báo tỷ lệ nợ xấu cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ giảm mạnh. Vì vậy, các ngân hàng cần ưu tiên điều chỉnh giảm tỷ trọng tín dụng, giảm thu lãi từ tín dụng, tăng tỷ trọng các hoạt động dịch vụ, từ đó tăng thu từ những hoạt động phi tín dụng.
Đồng thời, để giảm thiểu nợ xấu, các ngân hàng cần “chung lưng” cùng doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn để giúp họ sớm phục hồi hoạt động, từ đó không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững. Ngược lại, nếu ngân hàng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, không duy trì những chính sách hỗ trợ khách hàng khi họ đang gặp khó khăn, thì có thể ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ phải rất vất vả để giải quyết bài toán xử lý nợ xấu trong giai đoạn hậu dịch.
Thanh Hoa