Giới chuyên gia cho rằng đây là một thương vụ được chờ đợi nhất trong năm nay, bởi không chỉ giải quyết được vấn đề tăng vốn đang rất cấp bách cho BIDV mà còn giúp nhà băng này có thêm lợi thế trong việc khai thác phân khúc bán lẻ, nhất là thông qua lĩnh vực fintech và digital banking.
Tâm điểm là tăng vốn
Theo đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm, trong năm 2019, tâm điểm của ngành ngân hàng vẫn là mục tiêu gọi vốn ngoại để đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.
Trong báo cáo cập nhật về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam của Hãng xếp hạng tín nhiệm Moodys mới đây đã đưa ra đánh giá: "Trong năm 2019, các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng sẽ tiếp tục cải thiện khả năng sinh lời nhờ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngày càng lớn và chi phí tín dụng thấp hơn".
Tuy nhiên, Moodys cho rằng mặc dù "sức khỏe tài chính" đã được cải thiện, sự cạnh tranh gay gắt để thu hút các khoản đầu tư tư nhân sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn trong việc tăng vốn trong năm 2019.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm này, thị trường vốn của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu chiều sâu, chưa hoàn toàn phát triển. Việc gọi vốn ở thị trường trong nước sẽ vô cùng khó khăn, không thể đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng, nên việc huy động vốn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn trầm trọng, khoảng 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel 2.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng khó khăn tăng vốn lớn nhất hiện nay ở khối ngân hàng quốc doanh. Ngoài Vietcombank vừa gọi vốn thành công hồi đầu năm nay, các ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank và Agribank đang ngấp nghé "giới hạn đỏ" quy định về tỷ lệ đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2.
Trong ba ngân hàng đã cổ phần hoá là BIDV, VietinBank và Vietcombank, VietinBank hiện đã cạn room cho các nhà đầu tư nước ngoài khi sở hữu nhà nước tại ngân hàng này hiện chỉ là 64,46%, tức là còn thấp hơn yêu cầu nắm giữ tối thiểu của cổ đông nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 65%. Trong khi đó, BIDV và Vietcombank vẫn còn dung lượng vốn để bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Với trường hợp của BIDV, ngay từ khi mới lên sàn vào năm 2014, ngân hàng này cũng tính bán vốn cho đối tác nước ngoài, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Các ngân hàng quốc doanh có nhu cầu cấp bách tăng vốn, trong đó có BIDV |
Một "mũi tên" nhắm nhiều đích
Hiện, tổng tài sản của BIDV đạt tới gần 1,283 triệu tỷ đồng, song vốn điều lệ mới chỉ đạt gần 34.200 tỷ đồng - thấp nhất trong số ba ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa.
Tuy nhiên, so với VietinBank, BIDV có nhiều thuận lợi hơn trong việc gọi vốn nhờ dư địa còn khá lớn cho các cổ đông nước ngoài khi mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ tới 95,28% vốn điều lệ.
Kể từ năm 2016 đến nay, BIDV liên tục đưa ra nhiều phương án tăng vốn điều lệ, nhưng chưa năm nào nhà băng này thực hiện được, vốn điều lệ vẫn "giậm chân tại chỗ".
Cuối năm 2018, BIDV xin cổ đông thông qua việc bán 17,65% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài là ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc. Ngay sau khi kế hoạch này được công bố đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nếu trong năm nay, bán vốn thành công cho KEB Hana Bank, BIDV sẽ nâng tổng vốn điều lệ từ hơn 34.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng. Ngân hàng KEB Hana sẽ nắm 15% vốn điều lệ của BIDV và tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước cũng sẽ giảm từ 95% xuống còn 80,99%.
Các chuyên gia cho rằng việc bán vốn thành công cho nhà đầu tư ngoại này sẽ giúp BIDV thoát khỏi "giới hạn đỏ" quy định về tăng vốn và tăng cường năng lực tài chính. Ngoài ra, số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ giúp BIDV đầu tư vào các mảng hoạt động tín dụng, cơ sở vật chất....
Ngân hàng KEB Hana là thành viên của Tập đoàn tài chính Hana. Tổng tài sản của Tập đoàn này đạt đến 476.138 tỷ Won (tương đương hơn 400 tỷ USD), nằm trong top 100 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới.
Mạng lưới của Hana phủ 24 quốc gia với 153 chi nhánh, được xem là tập đoàn có mạng lưới nước ngoài lớn nhất Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Hana có 2 chi nhánh ngân hàng KEB Hana ở Hà Nội và Tp.HCM.
Với sự tham gia của cổ đông chiến lược này, công ty chứng khoán Rồng Việt VDSC đánh giá BIDV có thể có thêm lợi thế trong việc khai thác phân khúc bán lẻ, nhất là thông qua lĩnh vực fintech và digital banking.
Hoàng Hà