Tại Hội thảo "Cải cách hành chính - Giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng" tổ chức chiều 20/4, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Vivệt Nam (NHNN), cho biết chỉ số tiếp cận tín dụng tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm và và 3 tháng đầu năm, hiện đã ở góc độ rất khác, cao hơn nhiều so với một năm trước. Trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng tăng cao, cung ứng hơn 1,2 triệu tỷ đồng vốn vay cho nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Theo ông Tú, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong 4 kỳ báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới đã được cải thiện đáng kể và ổn định trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất. Trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190, đạt 75 điểm trong thang điểm 100, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines.
Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà NHNN đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp; giải ngân cho hơn 60.000 khách hàng với tổng số tiền lên tới 80.000 tỷ đồng; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho gần 4.000 doanh nghiệp và hơn 9.000 khách hàng khác...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tín dụng năm 2017 tăng cao đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, năm 2017 cũng đã ghi nhận số doanh nghiệp thành lập mới bùng nổ. Theo ông Lộc, đằng sau sự phát triển của doanh nghiệp có nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu đóng góp của nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho biết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp như năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý...
Các chuyên gia và các doanh nghiệp cùng đại diện NHNN, các ngân hàng đã cùng nhau tập trung thảo luận, tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng; cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn.
Đ.N