Ông Lý Văn Thành, Giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây sấy ở Tp.HCM, chia sẻ, có nhiều ngân hàng đưa ra các mức lãi suất thấp rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, lấy kinh nghiệm vay vốn từ DN mình trong nhiều năm nay, ông cho biết điều ông quan tâm nhất vẫn là thủ tục cho vay của ngân hàng có nhanh hay không để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất – kinh doanh của DN.
Lãi suất không bằng thủ tục
Thực tế, có những trường hợp DN đang cần vốn gấp, trong khi có ngân hàng có lãi suất thấp, từ chỗ dự định cho vay vốn chỉ vài ngày nhưng lại kéo dài tới một, hai tháng do các khâu rườm rà về xử lý hồ sơ, chứng từ. Điều này khiến các DN rất nản.
Như báo cáo sau đợt kiểm tra đột xuất mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cải cách thủ tục hành chính tại một số ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM, nhiều DN đã bày tỏ rằng lãi suất cao hay thấp không quan trọng bằng thời gian giải quyết thủ tục cho vay vốn.
Một cựu cán bộ của NHNN cũng cho biết, cách đây 15 năm ông đã lưu ý chuyện này, khi lãi suất không phải là quan tâm lớn nhất.
Còn theo một chuyên gia ngân hàng, lãi suất thấp có thể là “con dao hai lưỡi” vì nếu lãi suất thấp quá nó sẽ hình thành cơ chế xin – cho. Và như vậy, những rủi ro về lợi ích nhóm, nhũng nhiễu là chuyện có thể xảy ra.
Với 80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% sức sống của ngân hàng dựa vào cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay DN, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng và DN phải là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên, của cả DN và ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM, để hỗ trợ cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, các ngân hàng cần có những giải pháp mới, hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục đi vay cho DN.
Còn cách đây hai năm, một cuộc khảo sát DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy, tùy theo quy mô DN là lớn hay nhỏ, hoặc siêu nhỏ mà khoảng 82 – 89% DN cho biết họ không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp; 32 – 59% DN cho rằng thủ tục vay vốn phiền hà và 39 – 64% DN cho rằng việc “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng là phổ biến.
Việc đòi hỏi tài sản thế chấp (thường là bất động sản), theo phân tích của giới chuyên gia, đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn lớn cho việc vay vốn, tăng thêm các chi phí giao dịch và nhiều khi khiến vốn của DN bị đọng lại trong những tài sản không sản xuất, không tạo lợi nhuận.
Khâu thủ tục vay vốn vẫn là nỗi ám ảnh với các DN nhỏ và vừa
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Thủ tục vay vốn phiền hà chủ yếu làm tăng chi phí giao dịch vì thời gian, chi phí giấy tờ, đi lại… để có được một khoản vay sẽ tăng lên, còn chi phí “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng thực chất là chi phí cho tham nhũng.
Tất cả những khoản chi phí này đều không được phản ánh trong lãi suất công bố của hệ thống tài chính nhưng lại ảnh hưởng đến chi phí thực của DN.
Đến nay, khâu thủ tục vay vốn vẫn là nỗi ám của DN. Như chia sẻ của ông Lý Văn Thành, điều mà DN cần là thời gian cho vay phải nhanh, vì nếu kéo dài, cơ hội kinh doanh của DN dễ bị trôi đi.
Điều đó đòi hỏi NHNN phải chỉ đạo các ngân hàng cải cách hành chính sâu rộng hơn nữa để nguồn vốn đến với DN dễ và nhanh hơn. Sự phiền hà về thủ tục, luôn yêu cầu phải có tài sản thế chấp và tình trạng tham nhũng còn hiện hữu trong quan hệ tín dụng ở Việt Nam vẫn là nỗi sợ của các DN nhỏ.
Cần nhắc thêm, khi tính toán hệ số tương quan giữa lãi suất cho vay thực và tỷ lệ tăng trưởng GDP của các nước thuộc khối thu nhập trung bình thấp trong 15 năm qua, một nhóm nghiên cứu tài chính nhận thấy hệ số này của Việt Nam ở mức khá thấp (-0,04), đứng thứ 30 trong số 44 quốc gia thu nhập trung bình thấp có đủ số liệu để tính chỉ số này, trong đó chỉ có 31 nước có hệ số tương quan mang dấu âm.
Trong số 31 nước có hệ số tương quan mang dấu âm, hệ số này của Việt Nam chỉ cao hơn của Yemen (-0,02). Kết quả này hàm ý rằng lãi suất thực mặc dù có quan hệ ngược chiều nhưng ở mức độ rất thấp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cho nên, lãi suất công bố ít có khả năng là điểm nghẽn đối với đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế.
Rõ ràng, đối với các DN, khi lãi suất không còn quan trọng bằng khâu thủ tục nhanh gọn thì các ngân hàng cũng cần tự vấn lại khâu thủ tục cho vay vốn của mình tại sao chưa đáp ứng được nhu cầu của DN?
Trong khi đó, để thay thế kênh vay vốn ngân hàng trong nước do vừa khó tiếp cận vừa kéo dài thời gian thủ tục, không ít DN buộc phải chọn “tín dụng đen”, hoặc chấp nhận vay nước ngoài với lãi suất cao.
Mặt khác, nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ là những nhóm DN chịu nhiều tổn thương nhất khi muốn tiếp cận vốn ngân hàng vì vướng nhiều rào cản từ khâu thủ tục. Họ sẽ vay mượn từ người thân, bạn bè, “tín dụng đen” nhiều hơn so với DN vừa và lớn.
Với họ, câu hỏi khi nào ngân hàng giúp họ được vay vốn nhanh thay vì đưa ra mức lãi suất thấp xem ra vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là điều mà các tổ chức tín dụng nên suy nghĩ nếu thực sự muốn hỗ trợ DN nhỏ.
Thế Vinh