Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hồi tháng 7, có tới 56,8% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trong quý III, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ”. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, trong quý này, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm so với quý trước do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng.
Áp lực gia tăng
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết trong quý II và 6 tháng đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng đạt tới vài chục phần trăm, cá biệt có trường hợp tăng gấp vài lần so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định, lợi nhuận ngân hàng trong quý III sẽ không còn mạnh như quý I và II. (Ảnh: Int) |
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên con số lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng là thu nhập lãi ngoài. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ có mức tăng trưởng trên 100%-200%. Kinh doanh chứng khoán cũng là hoạt động mang lại khoản lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần và phần lớn do giảm mạnh chi phí lãi. Điều này đến từ việc lãi suất huy động giảm sâu nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng, làm tăng NIM (biên độ lãi ròng) nửa đầu năm 2021.
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra mạnh nhất từ tháng 6 đến nay, nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thực hiện chống dịch, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng quý III/2021 có phần chững lại. Cùng với đó, áp lực trích lập dự phòng và các gói hỗ trợ lãi suất cho vay liên tục được các ngân hàng tung ra nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Những yếu tố này sẽ tác động đến lợi nhuận của ngân hàng trong quý III. Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế vào khoảng 9,6 triệu tỷ đồng. Nếu các ngân hàng tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với một nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Ước tính, riêng lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng.
Kỳ vọng nhu cầu tín dụng hồi phục
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 với dự báo sẽ giảm 19% so với quý II/2021 do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng so với quý trước.
Nhóm phân tích dự báo thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 của các ngân hàng sẽ giảm 2% so với quý trước, tuy nhiên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trong quý IV/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại. NIM của các ngân hàng được dự báo sẽ giảm trong quý III/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng dự báo chi phí dự phòng trong quý III của các ngân hàng sẽ tăng 20% so với quý trước, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tương đối thấp. Chất lượng tài sản bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn và thực hiện giãn cách.
Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm. Vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong quý IV/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Ngoài ra, kỳ vọng thu nhập phí sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.
Trong khi đó, tại một buổi trao đổi với nhà đầu tư mới đây, các chuyên gia của FIDT dự phóng kết quả kinh doanh quý III/2021 của nhóm ngân hàng không có gì đáng lo ngại. Có thể mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng không còn mạnh như quý I và II, nhưng phần lớn ngân hàng được nhận định vẫn đi ngang về tăng trưởng.
Theo các chuyên gia FIDT, mặc dù thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng tốc độ giảm lãi suất cho vay lại thấp hơn, khiến NIM vẫn được duy trì. Bên cạnh lãi từ tín dụng, hiện nay, nhiều ngân hàng đã thu tỷ trọng lớn từ dịch vụ - vốn không giảm quá mạnh trong đại dịch.
Nếu dịch được kiểm soát trong quý IV, các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu vốn vay tăng mạnh để thúc đẩy sản xuất và phục hồi, các ngân hàng sẽ có dư địa tăng trở lại và hưởng lợi từ quá trình này.
Huyền Anh