Trong quý I/2020, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại Kienlongbank tăng từ 238 tỷ đồng lên 2.126 tỷ đồng, chiếm 93% giá trị nợ xấu. (Ảnh: Internet) |
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, nợ xấu là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với ngành Ngân hàng ở thời điểm hiện nay và cần theo dõi chặt chẽ, vì khi nợ xấu tăng nhanh, điều này có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng trong nhiều năm và ảnh hưởng rộng ra nền kinh tế.
Nguy cơ nợ xấu thâm nhập nhiều lĩnh vực
Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, hiện có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng chiếm 6,6% tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng (tương đương khoảng 548.000 tỷ đồng).
Tiếp đến là lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm 6,3% tổng dư nợ, (tương đương khoảng 520.000 tỷ đồng). Các hoạt động dịch vụ khác như: sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khoẻ… dư nợ tín dụng ảnh hưởng khoảng 260.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ. Lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản bị ảnh hưởng khoảng 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9% dư nợ, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng rau quả, thuỷ sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu.
Hoạt động kinh doanh bất động sản có 1,75% tổng dư nợ bị ảnh hưởng (tương đương khoảng 145.000 tỷ đồng); 139.000 tỷ đồng là dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng trong lĩnh vực vận tải; Lĩnh vực dich vụ lưu trú, ăn uống, du lịch là 169.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ. Cùng với đó, khai khoáng tập trung chủ yếu vào dư nợ đối với khai thác than, dầu thô, quặng kim loại... dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 0,5%.
Theo đánh giá của các chuyên gia hiện nay chưa thể đánh giá được con số chính xác về tỷ lệ nợ xấu trong số 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ tăng nhanh trong năm nay. Bởi hiện nay dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát ở trong nước, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước có giao thương xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam vẫn đang “đóng cửa” biên giới do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt.
Riêng đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng, dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ khiến nợ xấu tăng nhanh trong mảng này. Các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản cho vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, trong khi phân khúc này có thu nhập thấp và bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh phải tạm thời đóng cửa, hoặc thu hẹp quy mô, dẫn tới việc cắt giảm lương và tăng số lượng người mất việc. “Do thu nhập bị ảnh hưởng, dự báo nợ xấu sẽ tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng”, một chuyên gia đánh giá, đồng thời cho rằng, việc nợ xấu tăng trong lĩnh vực này sẽ không mở rộng tới toàn bộ ngành ngân hàng do tỷ lệ thâm nhập của ngành này còn thấp và hiện nay chỉ có 4 ngân hàng tích cực tham gia mảng tài chính tiêu dùng.
Nợ xấu có thể chạm mốc 4%
Báo cáo tài chính quý I/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ nhóm 3, 4, 5 tăng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
Ðơn cử, tại Kienlongbank, tính đến cuối quý I, giá trị nợ xấu tăng 5,7 lần lên 2.293 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tăng từ 1% lên 6,62%. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 238 tỷ đồng lên 2.126 tỷ đồng, chiếm 93% giá trị nợ xấu.
TPBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng tính đến hết quý I/2020, lên mức 1.884 tỷ đồng, tương đương tăng 53% chủ yếu do nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,28% lên 1,87%
Vietbank ghi nhận nợ xấu tăng chủ yếu do nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 63%, đạt hơn 160 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,32% lên 1,36%.
Công ty Chứng khoán VNDiiect dự báo nợ xấu đang tăng ở nhiều ngân hàng, nhưng điều này có thể sẽ không thể hiện trong báo cáo tài chính quý I và II/2020 do ngân hàng có thể giãn nợ mà không thay đổi nhóm nợ tới tối đa 12 tháng kể từ ngày đến hạn.Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu sẽ bắt đầu tăng trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021.
Theo báo cáo của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội là 1.400 tỷ đồng).
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng chưa biết dịch bệnh diễn biến thế nào, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhiều nước trên thế giới chưa kiểm soát được dịch, nên các doanh nghiệp gặp khó, không có khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng.
"Nợ xấu có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay. Chúng tôi sẽ theo dõi sát và báo cáo kịp thời" Bà Hồng nói.
Trước đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đưa ra dự báo nợ xấu cuối năm 2020 khoảng 4%. Như vậy các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều.
Thanh Hoa