Giao dịch qua thanh toán điện tử tăng mạnh, khoảng 367.000 tỷ đồng mỗi ngày. (Ảnh: Internet) |
Phát biểu tại buổi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến nay có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).
Đến cuối tháng 7/2019, toàn thị trường có 18.841 ATM và 262.733 POS được lắp đặt. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Trong đó, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng. Theo đó, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt trên 104 triệu giao dịch, tương ứng với gần 61.000 tỷ đồng, tăng 19,57% về số lượng và 26,66% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Đại diện Vụ Thanh toán chia sẻ thêm, nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực.
Huyền Anh