Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần làm thay đổi diện mạo của thị trường thanh toán điện tử Việt Nam, không còn độc quyền như trước đây, các ngân hàng đang phải cạnh tranh với nhiều Fintech (công ty công nghệ trong tài chính) đình đám đang nhảy vào thị trường Việt Nam đòi chia phần. Đây thực sự trở thành bài toán đau đầu của các nhà băng.
Thị trường tiềm năng
Tại Diễn đàn công nghệ tài chính Việt Nam năm 2018 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 30/5, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, đến nay đã có 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động.
Ông Varun Mital, lãnh đạo cao cấp Fintech của EY, cho biết các startup tại Việt Nam đang đầu tư nhiều cho lĩnh vực Fintech với tổng vốn 129 triệu USD. Có đến 47% Fintech Việt hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, cao nhất khu vực Đông Nam Á._
Theo đánh giá của đại diện EY, Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng bậc_nhất cho các Fintech phát triển nhờ có tỷ lệ dân số ở độ tuổi vàng cao, đây cũng là độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh chiếm phần lớn, tăng trưởng tiêu dùng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp…_
“Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm và muốn tham gia, thậm chí họ có ý định mua lại một số Fintech tốt bởi tiềm năng thị trường rất lớn”, ông Varun Mital chia sẻ.
Có thể thấy, thời gian qua, rất nhiều Fintech ngoại đã “đặt chân” vào thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Alipay, Wechat Pay, Apple Pay…, đây là những “đối thủ” đáng gờm không chỉ đối với Fintech trong nước, mà cả ngân hàng Việt.
Các “ông lớn” này không chỉ có thương hiệu toàn cầu, có nguồn lực tài chính lớn mạnh, mà còn có rất nhiều thế mạnh khác như quản lý dòng tiền, bảo hiểm, đặc biệt là họ có cả hệ thống sinh thái tiện ích cho người dùng.
Trong một cuộc hội thảo với chủ đề hành lang pháp lý cho ngân hàng số mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, NHNN, cho biết dù được đánh giá là thị trường có tiềm năng và đang trên đà phát triển, tuy nhiên, số lượng các đơn vị Fintech Việt hiện nay hoạt động ở mức ổn định chiếm tỷ lệ rất thấp.
“Số liệu rất đáng buồn khi hầu hết đơn vị Fintech được cấp phép hiện chưa sống được bằng giao dịch của mình, chỉ khoảng 5/25 đơn vị có thu nhập, có lãi, còn lại đều chưa đáp ứng được”, ông Dũng thông tin.
Xu thế hợp tác giữa các ngân hàng và DN Fintech ngày càng trở nên rõ nét |
Tạo “liên minh” nâng sức cạnh tranh
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, thị phần vẫn nằm trong tay các ngân hàng, Fintech Việt. Tuy nhiên, với chiến lược tấn công mạnh mẽ và đa dạng của các Fintech ngoại, “miếng bánh” thị phần này có thể rơi vào tay DN ngoại bất cứ lúc nào nếu các DN trong nước không lớn mạnh để đủ sức cạnh tranh.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các DN Fintech tạo một “liên minh thanh toán” để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng.
Thống đốc NHNN cho biết: “Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong vài năm gần đây vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech giúp duy trì và phát triển hệ thống tài chính – ngân hàng hiện đại với những sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đáp ứng sự kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng. Sự phát triển của Fintech và việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, để liên minh này hoạt động một cách hiệu quả, tại diễn đàn, các DN Fintech và ngân hàng kiến nghị cần nhất hiện nay trong cuộc chạy đua với Fintech ngoại là hành lang pháp lý cho Fintech phải hoàn thiện.
Thống đốc NHNN cho biết Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu, đó chính là 5 nội dung chủ đề của cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” (FCV) lần thứ nhất.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Huyền Anh