BIDV vừa tung gói tín dụng lến đến 30.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19 |
Hiện nay, tính cả số lượng vay mới và dư nợ hiện hữu, các tổ chức tín dụng đã giải ngân tổng cộng khoảng 300.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 2 lần kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam và liên tục mở rộng quy mô gói tín dụng.
Hơn 300.000 tỷ đồng đã được giải ngân
Tại Báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu của ngành ngân hàng.
Thông tin do NHNN cập nhật cũng cho biết, từ khi thực hiện Thông tư 01 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (ban hành ngày 13/3), các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội có 40.000 khách hàng, với dư nợ 1.400 tỷ đồng); thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm khoảng 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 - 4,5%/năm. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng, doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng (trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội có 275.000 khách hàng, với dư nợ 12.000 tỷ đồng).
Như vậy, tính cả số lượng vay mới và dư nợ hiện hữu, các tổ chức tín dụng đã giải ngân tổng cộng hơn 308.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh chưa được kiểm soát, nếu trong quý II, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp đóng băng, “ngủ đông”, thậm chí giải thể sẽ tiếp còn gia tăng. Và dường như gói hỗ trợ của các tổ chức tín dụng chưa đủ để vực dậy nền kinh tế?
Mới đây, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí sẽ điều chỉnh mạnh chính sách tiền tệ nếu cần thiết và tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo toàn bộ hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ hơn việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ trên phạm vi toàn quốc”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay.
Giảm 40% lợi nhuận
Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết trong năm nay, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV) phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính năm 2019, cả 4 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận khá cao, trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận trước lãi của BIDV là 10.876 tỷ đồng; Vietinbank đạt 11.500 tỷ đồng, Vietcombank đạt 22.717 tỷ đồng; Agribank đạt 12.700 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận trên, nếu nhóm “big 4” ngân hàng phải hy sinh 40% lợi nhuận của năm 2019 để hạ lãi suất thì Vietcombank đóng góp khoảng 8.800 tỷ đồng; BIDV “hy sinh” khoảng 4.200 tỷ đồng; Vietinbank hơn 4.500 tỷ đồng và Agribank là gần 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, các ngân hàng này sẽ đóng góp tổng cộng khoảng 22.500 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất sâu hơn nữa hoặc tung thêm gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong báo cáo thường niên vừa được BIDV công bố, nhà băng này đặt kế hoạch năm 2020 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo BIDV cho biết kế hoạch sẽ được điều chỉnh nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.
Còn Vietcombank và Vietinbank không đề cập đến chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 trong báo cáo thường niên năm 2019. Tuy nhiên, Vietinbank đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt 4-8,5% và 5-10%.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ tăng khoảng 15%, tương đương hơn 26.600 tỷ đồng.
Còn Vietinbank cho biết, năm 2020, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro từ căng thẳng thương mại, chính trị giữa các nền kinh tế lớn, bên cạnh đó, diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, đồng thời tác động tới một số ngành kinh tế trong nước.
Theo đó, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn và là thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Vietinbank nói riêng cũng như hệ thống ngân hàng nói chung. Ban lãnh đạo Vietinbank nhận định, đây cũng là yếu tố có thể tác động tới tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng trong năm 2020.
Huyền Anh