Theo thẩm định của UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn huyện Krông Pắc hiện có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 66,7% tổng số xã trên địa bàn huyện; số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Huyện đang nỗ lực vượt qua không ít khó khăn thách thức để phấn đấu về đích huyện NTM trong năm 2020 này.
Đồng thuận hướng tới cuộc sống ấm no
Với những nền tảng cơ bản từ hệ thống chính trị đến thực tiễn tổ chức, kết nối sản xuất, những mô hình kinh tế tiếp tục được củng cố, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Krông Pắc ngày càng phát triển. Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân đạt gần 39 triệu đồng; tỷ lệ người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 82%; gần 93,5% dân số được sử dụng nước sạch; 48% lao động qua đào tạo, 40% lao động qua đào tạo nghề.
![]() |
Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới có sự đóng góp không nhỏ từ sức dân. |
Cũng từ sự đồng thuận của người dân, toàn huyện đã làm mới, nâng cấp được 659km đường giao thông nông thôn; tu sửa, cải tạo 192km đường dây điện, 24 trạm biến áp, lắp đặt 184km đường điện chiếu sáng công cộng; sửa chữa, nâng cấp 36 công trình thủy lợi; kiên cố hóa được 48km kênh mương nội đồng…
Tổng huy động vốn xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019 của huyện Krông Pắc đạt trên 5.710 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp gần 177 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình và dự án khác gần 384 tỷ đồng, vốn tín dụng 4.532 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 46 tỷ đồng, huy động từ người dân 572 tỷ đồng.
Vốn là xã thuần nông, vào năm 2010, xã Ea Kly gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, người dân lúng túng trong phát triển kinh tế, chưa mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vì tâm lý ngại thay đổi. Tuy nhiên, nhờ sự định hướng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chính quyền địa phương và người dân đã từng bước thay đổi cách nghĩ để đi đến những cách làm mới táo bạo, gắn với khoa học.
“Cái được lớn nhất của xã là có sự hậu thuẫn của nhân dân. Bản thân người dân tự huy động nội lực của mình để làm giàu cho chính gia đình mình, từ đó tích cực chia sẻ với các hộ dân lân cận để hình thành sự kết nối trong làm ăn, xây dựng nếp sống văn minh, hướng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống”, lãnh đạo xã Ea Kly cho hay.
Hiện tại, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã Ea Kly đạt 45,48 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Đặc biệt, 4.720/5.119 hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chí của Bộ Xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,7%; khu vui chơi của xã đáp ứng cơ bản nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân địa phương, 32/32 thôn, buôn có nhà văn hóa với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên. Điểm phục vụ bưu chính viễn thông và nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở của UBND xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Hiện, xã đang tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền, hoạt động điều hành hướng đến sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Vai trò lớn của kinh tế hợp tác
Một số dự án liên kết trọng điểm đang trở thành kim chỉ nam cho hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện Krông Pắc, trong đó khu vực kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng, như Dự án sản xuất, chế biến tinh dầu sả tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Yiêng; Dự án phát triển sầu riêng theo hướng bền vững tại HTX Bơ, Sầu riêng xanh; Dự án chế biến cà phê ướt tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến…
![]() |
Kinh tế hợp tác là một đầu tàu quan trọng trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM. |
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Yiêng ở xã vùng 3 Ea Yiêng của huyện Krông Pắc với việc giúp người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo và hướng tới làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Yiêng luôn trăn trở trước thực trạng sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả ở địa phương. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) có thổ nhưỡng tương tự đã thành công khi đưa giống sả đỏ Java (loại sả chuyên lấy lá để chưng cất tinh dầu) vào trồng, ông đã tự bỏ chi phí, tổ chức cho gần 20 người dân trong vùng đến Ea Tir tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng sả. Tháng 9/2018, HTX Ea Yiêng đã bắt tay vào trồng sả trên diện tích 8ha, với 7 hộ tham gia. Sau 3 tháng, HTX thu hoạch lứa lá đầu tiên. Lá sả sau khi thu hái được chưng cất thành tinh dầu thô để bán cho HTX Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào (xã Ea Tir, huyện Ea H'leo).
Đầu năm 2019, từ sự đóng góp của 12 xã viên, HTX đã khai trương lò chưng cất tinh dầu sả với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng. Ông Nam cho biết, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 - 6 năm liền, mỗi năm cho thu hoạch từ 5 - 6 lần. Sau khi hết tuổi khai thác lá, người dân có thể lấy củ để bán giống. Giá bán lá sả tươi là 1.500 đồng/kg và 380.000 đồng/lít tinh dầu. Cây sả đặc biệt rất phù hợp với Ea Yiêng, dễ chăm sóc, mang lại giá trị kinh tế khá ổn định, giá sả dù có giảm nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp nên bà con vẫn có thể thu lời được quanh năm. Người nghèo nếu đi theo mô hình này thì trong khoảng 3 - 4 năm có thể thoát nghèo.
Một điển hình khác là HTX dịch vụ nông nghiệp xanh Sầu riêng, Bơ Krông Pắc. Được thành lập vào tháng 5/2018 với vốn điều lệ 55 triệu đồng, 7 thành viên, tổng diện tích cây trồng 26ha, HTX đã nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ngành nghề kinh doanh chính của HTX là mua, bán và chế biến các sản phẩm nông nghiệp cây ăn trái; đầu tư sản xuất vườn ươm giống cây ăn trái; dịch vụ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên doanh liên kết các công ty hoặc HTX để tiêu thụ sản phẩm.
Chính nhờ những mô hình HTX, các dự án như trên cùng với sự nỗ lực của Chính quyền, sự ủng hộ và hẫu thuận rất lớn từ người dân mà Krông Pắc đang khởi sắc từng ngày, trở thành một điển hình về xây dựng NTM ở Đắk Lắk trong thời gian qua.
Đức Nguyễn