Đừng để thiệt đơn, thiệt kép
Sản xuất sạch, an toàn sẽ giúp cho nông sản Việt tìm kiếm được thị trường |
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), cho biết: theo thông lệ, từ sau Tết đến hết tháng 2 dương lịch, nhu cầu tiêu thụ rau sạch của người dân sinh sống tại Hà Nội và các vùng lân cận sẽ tăng từ 30 - 40%. Điều này kéo theo giá cả cũng tăng từ 35 - 45% so với trước Tết. Nhu cầu cao, lại được giá sẽ đem lại lợi ích cho các HTX sản xuất. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, nhất là của một số HTX đang thiếu tính bền vững.
“Sản xuất nông nghiệp thâm canh truyền thống của Việt Nam đã và đang gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu. Nông sản tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu tính cạnh tranh. Quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường do sử dụng chất hóa học trong sản xuất, nhất là thiếu chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường đã dẫn đến thu nhập từ sản xuất nông nghiệp bấp bênh và thấp", bà Hà nêu ý kiến.
Trong bối cảnh này, việc xây dựng chuỗi liên kết và kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng miền là then chốt để giữ vững thị trường trong nước và chinh phục thị trường thế giới.
Được biết đến là đơn vị tiên phong đưa dòng sản phẩm rau mầm vào thị trường, HTX nông nghiệp Thanh Hà đã áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và khoa học bằng hệ thống tưới tiêu tự động với các vòi phun nước được đặt cố định. Hệ thống cảm biến mưa của HTX đã giúp điều chỉnh lượng nước cần thiết cho rau đã hạn chế tối đa sức lao động, nhân công, tăng hiệu quả sản xuất.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, bà Hà càng thấy việc đầu tư cho khoa học công nghệ là bước đi đúng hướng: "từ đầu năm đến nay, Covid-19 đã gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề cho nông sản Việt Nam là bài học kinh nghiệm cần được khắc phục trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hoá và mở rộng thị trường tiêu thụ”, bà Hà nói.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và liên kết chuỗi
Để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các HTX, Giám đốc HTXNN hữu cơ Đồng Phú (thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, sự kết nối giữa các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản là hết sức cần thiết.
“Để làm tốt việc này, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất thiết các HTX phải liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản tổ chức các hội thảo, hội nghị giới thiệu nông sản an toàn và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các HTX, nhất là các HTXNN”.
Liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp là cơ hội để nông sản Việt khẳng định được thương hiệu và giá trị |
Cùng quan điểm này, bà Phùng Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc CTCP thương mại và xuất nhập khẩu GreenPath cho rằng, chìa khoá cho xuất khẩu nông sản thực phẩm là hoạt động kiểm định chất lượng và đóng gói bảo quản. Đặc biệt là cần xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản hàng hoá tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
“Để xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, nông sản Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu của từng loại thị trường. Thị trường Mỹ nổi tiếng với những quy định chặt chẽ do cơ chế bảo vệ nền nông nghiệp sạch. Theo quy định của Australia, để xuất khẩu nông sản vào thị trường này, phải thoả mãn được các yêu cầu khắt khe về vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói, bao bì, nhãn mác và kiểm dịch bằng chiếu xạ”, bà Hương nêu ví dụ.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước, các bộ ngành và Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX, qua đó nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, cho vay vốn phát triển HTX cũng được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, rộng rãi.
Các điểm trưng bày, giới thiệu sẽ giúp nông sản Việt tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ |
“Tuy nhiên, chỉ có sự vào cuộc hỗ trợ của Nhà nước không thôi là chưa đủ, mà bản thân mỗi HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản phải chủ động và có ý thức vươn lên để tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mà các nước đối tác yêu cầu. Đặc biệt phải liên kết chuỗi và chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường ra nhiều nước chứ không phải chỉ phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc. Nếu các HTX, doanh nghiệp cùng đồng hành với Nhà nước làm tốt việc này thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Phạm Duy