Các HTX, nhà nông cần tích tụ ruộng đất, tập hợp các nhà sản xuất để trở thành lực lượng hùng hậu, có quy mô để sản xuất an toàn, rộng lớn, tăng cường tính liên kết giữa người sản xuất với cầu nối trung gian để tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, việc đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc, tránh tình trạng nhái nhãn hiệu, sản phẩm hàng hóa, nông sản.
Đó là đánh giá của các đại biểu tham dự Hội nghị kết nối tiêu thụ và trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn do Liên minh HTX Lào Cai tổ chức trong 2 ngày 28 - 29/11.
Chưa phát huy hết thế mạnh
Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX Lào Cai, cho biết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm đã và đang gây nhiều bất lợi cho người sản xuất, trong đó có người dân và các thành viên HTX. Sản xuất thiếu tính bền vững, an toàn đã dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và hàng hóa nông sản luôn rơi vào cảnh bấp bênh.
“Giá cả thịt lợn có nhiều biến động trong thời gian qua cho thấy chúng ta chưa có chính sách bền vững giúp cho nhà nông, HTX yên tâm sản xuất. Mặt khác, các HTX còn thiếu tính chủ động, tích cực trong việc cùng với Nhà nước tìm kiếm đầu ra ổn định bền vững. Để khắc phục những hạn chế này, nhất thiết nông dân, HTX phải có sự liên kết với các doanh nghiệp (DN), nhà tiêu thụ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hải Phòng, cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thể để phát huy thế mạnh của nền kinh tế hợp tác, HTX như: Giao thông kết nối thuận tiện, nhiều DN chung tay vào kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX 63 tỉnh, thành phố hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ, sản phẩm.
Với nhiều lợi thế như vậy nhưng vì sao chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh?
Nêu và trả lời cho câu hỏi này, ông Đạo cho rằng nông sản tiêu thụ ngoài thị trường, tới tay người tiêu dùng nhưng người tiêu dùng không kiểm tra, đánh giá được chất lượng và mức độ an toàn. Giá cả của các sản phẩm nông sản sạch cao hơn, trong khi đem ra thị trường chợ truyền thống thì không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nông sản bình dân được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Vấn đề cốt lõi vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính cạnh tranh và luôn luôn ở thế yếu, chưa tạo ra “quyền lực” thực sự cho người sản xuất.
Muốn khắc phục được điều này, quan trọng nhất là phải tích tụ ruộng đất, tập hợp các nhà sản xuất để trở thành lực lượng hùng hậu, có quy mô sản xuất an toàn, rộng lớn, tăng cường tính liên kết giữa người sản xuất với cầu nối trung gian để tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX phải đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý một cách nghiêm túc, tránh tình trạng nhái nhãn hiệu, sản phẩm hàng hóa, nông sản bị lợi dụng để làm giả. Việc này khiến cho người tiêu thụ không những không được sử dụng sản phẩm chính hãng, mà còn đánh mất thương hiệu sản phẩm hàng hóa, đánh mất thế mạnh của địa phương.
“Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn của các HTX tại một số tỉnh, thành phố có điều kiện về địa lý, địa phương phát triển về du lịch để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của các HTX ở các địa phương”, ông Đạo đề xuất.
Ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản giữa HTX và DN |
Chủ động tìm kiếm cơ hội
Nêu thực tế về sản xuất nông sản sạch, an toàn tại một số tỉnh phía Bắc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu Bùi Xuân Thu cho rằng nhiều HTX vẫn chỉ sản xuất sản phẩm truyền thống chứ chưa tìm hiểu, chưa chủ động, mạnh dạn sản xuất sản phẩm mà nhu cầu thị trường cần. Bên cạnh đó, các HTX ở Lai Châu đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chưa có trụ sở, thiếu đất sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa mang tính bền vững.
“Lai Châu có sản xuất một số nông sản, mặt hàng đặc sản của địa phương. Một số nông sản đặc trưng thì không sản xuất kịp để tiêu thụ trên thị trường như cá chiên, chè Lai Châu, rau thuỷ canh Lai Châu, trong khi một số sản phẩm khác như cá hồi, cá lăng thì sản xuất ra không tiêu thụ được do thiếu sức cạnh tranh với các tỉnh khác. Do vậy, việc cần thiết hiện nay là phải tăng cường tính liên kết, kết nối, tăng cường xúc tiến đầu tư để tiêu thụ sản phẩm”, ông Thu nói.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển DN, Liên minh HTX Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Thủ đô rất lớn. Hiện nay, các DN, HTX ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, đây chính là cơ hội của các HTX, DN ở các địa phương tìm đầu vào cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, để nông sản, thực phẩm thâm nhập vào thị trường lớn này phải đảm bảo xuất xứ, nhãn mác, bao bì đóng gói với mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm cao.
“Cơ hội thì rất nhiều, nhưng các DN, HTX ở các địa phương có đón được hay không, có phát huy thế mạnh để nắm bắt được cơ hội hay không là do sự chủ động, tích cực của các HTX, DN. Chúng tôi rất mong các HTX ở các tỉnh có các sản phẩm an toàn, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác sớm đem sản phẩm đến Hà Nội để người tiêu dùng được sử dụng, đồng thời các HTX, DN cũng có cơ hội ngày càng phát triển bền vững”, bà Bích chia sẻ.
Phạm Duy