Đây chính là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, huyện Quản Bạ, Hà Giang đã phát huy nội lực, hoàn thành nhiều tuyến đường bê tông, đem lại diện mạo mới cho nông thôn vùng cao.
Coi trọng “huyết mạch” giao thông
3 năm trước đây, việc đi lại từ thôn Pản Hò đến thông Cổng Trời, xã Quản Bạ việc đi lại, sản xuất của gần 200 hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đường ra xã phải đi bộ, trẻ con tới trưởng cũng vô cùng vất vả, công việc mua bán các mặt hàng nông sản càng vất vả hơn.
Thế nhưng, từ khi chính quyền địa phương huy động cùng nhân dân làm đường bê tông trong xã, thì bộ mặt giao thông nới đây đã đổi thay. Con đường bụi đất, ghồ ghề vào mùa khô và lầy lội vào mùa mưa được thay thế bằng con đường bê tông thẳng tắp. Mọi phương tiện tham gia giao thông đều thuận lợi cả mùa mưa và mùa khô.
Chị Sùng Thị Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Pản Hò, chia sẻ từ khi có chủ trương huy động Nhà nước và nhân dân cùng làm đường bê tông, bà con trong thôn ai đồng tình, nhất trí cao, sẵn sàng góp công sức làm đường. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, thôn làm được hơn 1km, dần dần con đường bê tông từ thôn nối ra xã cũng sắp hoàn thành.
Ông Nông Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, cho biết với địa hình xã vùng cao, nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các thôn, khu dân cư khá xa nên việc làm đường bê tông nông thôn rất nan giải.
Tuy nhiên, với phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm từng bước” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận. Đến nay, xã đã vận động nhân dân hiến trên 20.165m2 đất để mở rộng, mở mới, đổ bê tông hơn 23km đường. Có đường đi lại thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 11,87% thấp hơn 0,13 % so với yêu cầu tiêu chí NTM.
![]() |
Chính quyền địa phương và người dân xã Quản Bạ nỗ lực góp công, góp cửa làm đường liên thôn (Ảnh: Internet) |
Cán đích NTM
Xác định việc làm đường bê tông nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, theo ông Bùi Văn Học, đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện Quản Bạ, với đặc thù là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc vận động nhân dân chung sức làm đường giao thông nông thôn còn rất hạn chế; trong khi đó nguồn vốn huy động hỗ trợ từ các doanh nghiệp gần như không có.
Do vậy, kinh phí làm đường giao thông nông thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh hàng năm. Để có vốn làm đường, ngành chuyên môn đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo và UBND huyện triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh về các cơ chế chính sách trong thực hiện xây dựng NTM, phát triển KT-XH, Đề án 1 triệu tấn xi măng... và vận động nhân dân cùng đóng góp.
Trên cơ sở nguồn vốn được cấp, huyện đã phân bổ cho các xã, các ngành triển khai thực hiện. Tích cực huy động ngày công, vận động nhân dân hiến đất, mở mới và nâng cấp đường theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong năm nay đã huy động được trên 3.000 công lao động, nhân dân hiến 750 m2 đất, làm được 10.834 m đường giao thông các loại.
Để thực hiện xây dựng NTM, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư trực tiếp trên địa bàn xã gần 12 tỷ đồng; nguồn từ Dự án AAV và nguồn thu từ du lịch động Lùng Khúy 170 triệu đồng; được hỗ trợ 507 tấn xi - măng. Còn lại, nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công; hiến trên 20.165 m2 đất; bê - tông hóa đường trục thôn, xóm, nội đồng 23,33 km; đường liên hộ, nhóm hộ 2 km; kiên cố hóa kênh mương 4,97 km, tu sửa 2,11 km kênh mương, xây mới 3 nhà văn hóa. Tỷ lệ người dân sử dụng nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt đảm bảo 3 sạch chiếm trên 71%...
Bằng cách làm hay, phù hợp của chính quyền địa phương và người dân đã giúp xã Quản Bạ trở thành xã thứ 2 về đích NTM trong năm 2018 của huyện Quản Bạ.
Với 19/19 tiêu chí NTM, hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ đã biến vùng đất một thời khó khăn thực sự “thay da, đổi thịt”. Những tuyến đường chính, đường liên thôn được bê - tông hóa sạch đẹp, nhà văn hóa, hệ thống trường, lớp học xây mới, tu sửa khang trang; Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới; xã có HTX sản xuất dược liệu đã chế biến được sản phẩm bán ra thị trường, đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân.
Có thể thấy, phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư và đạt được những kết quả đáng mừng. Những tuyến đường hoàn thành không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng mà còn góp phần quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, giao thương, nâng cao đời sống.
Phạm Minh