Trong số 19 tiêu chí của nông thôn mới (NTM), giao thông được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất đối với các xã, thị trấn của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Xín Mần đã huy động được quần chúng nhân dân ủng hộ mạnh mẽ; nhiều con đường đại đoàn kết được mở mới cùng những tuyến đường được bê tông hóa đã góp phần vào sự phát triển KT – XH của địa phương.
“Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Về Xín Mần thời gian này, ai cũng thấy bộ mặt nơi đây có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là về giao thông. Trước đây, để di chuyển được từ xã nọ sang xã kia khá vất vả do đường xá nhỏ hẹp, không thuận tiện. Nhưng nay, nhiều con được ở 4 xã biên giới đã thực sự như “khoác” một chiếc áo mới.
Anh Tráng Văn Thắng, thôn Na Chăn, xã Nấm Dẩn cho biết, sau khi có chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân thôn Na Chăn đã tích cực đóng góp ngày công lao động cũng như vật liệu cát, sỏi để làm con đường bê tông vào thôn nối với Tỉnh lộ 178 có chiều dài hơn 2 km được, Nhà nước hỗ trợ xi măng theo Đề án 114.
Còn tại xã Khuôn Lùng, người dân nhớ lại trước đó năm 2010, khi mới bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đây là địa phương có xuất phát điểm thấp, hạ tầng cơ sở còn thiếu so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, bình quân thu nhập mới chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao với 53%, hệ thống đường giao thông NTM cứng hóa đạt 10%.
Với mục tiêu biến khó khăn thành động lực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, phát động các phong trào phát triển kinh tế, phát động xây dựng NTM, làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình...
Từ sự vận động tích cực, người dân đã góp trên 35.100 ngày công lao động, hiến trên 89.633 m2 đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác. Đến nay, các tuyến đường trong xã đều được bê tông hóa, tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện cũng đã được được nhựa hóa; hệ thống đường trục xóm và đường liên xóm được cứng hóa đạt 68,5% so với tiêu chí.
Chia sẻ với báo chí, anh Hoàng Văn Dũng, xã Khuôn Lùng cho biết, từ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và nhân dân, hệ thống đường giao thông được nâng cấp, mở rộng và bê tông hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đặc biệt là đối với người dân ở các thôn xa trung tâm xã.
Nhiều xã biên giới huyện Xín Mần đạt tiêu chí NTM (Ảnh: Interntet) |
Huyết mạch giao thông
Việc xây dựng được đường giao thông đã kéo theo nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế… phát triển. Để làm được điều này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đã tập trung mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Kết quả thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn không chỉ ở khu vực các xã nội địa mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến các xã vùng biên.
Được biết, từ khi triển khai chương trình NTM đến nay, xã Nấm Dẩn đã mở mới được trên 3.600 mét đường, đổ bê tông đường liên thôn được gần 8.000 mét. Trong năm 2019, xã tiếp tục đăng ký thực hiện 5 đầu điểm đường bê tông nông thôn và đang nỗ lực hoàn thành tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí NTM.
Trong số 19 tiêu chí của NTM, thì giao thông được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất đối với các xã, thị trấn của huyện. Lý do bởi điều kiện địa hình và quãng đường vận chuyển nguyên vật liệu xa.
Đặc biệt, trong năm 2018, để khắc phục những khó khăn cho người dân biên giới của huyện, Ban Chỉ đạo NTM huyện đã phát động quyên góp làm tuyến đường bê tông nối từ cầu Cốc Pài qua thôn Xóm Mới lên trung tâm xã Chí Cà; tuyến đường có chiều dài gần 6 km là kết quả của tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc vùng biên giới.
Hiện tại, 4 xã biên giới khó khăn nhất của huyện đã có xã Xín Mần đạt chuẩn NTM, hệ thống giao thông đi đến các xã, thôn, bản đều được mở rộng, nâng cấp. Người dân đã không phải mất quá nhiều thời gian từ các thôn giáp vùng biên giới ra trung tâm xã cũng như ra trung tâm huyện.
Trong 10 năm qua, huyện Xín Mần đã vận động nhân dân tham gia đóng góp hơn 600 nghìn ngày công lao động, hiến trên 1.032.000 m2 đất và quyên góp được gần 8 tỷ đồng để xây dựng NTM. Huyện đã và đang triển khai trên 200 công trình giao thông, với hơn 230 km đường bê tông nông thôn; từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như mục tiêu phát triển KT – XH trên địa bàn huyện.
Minh Phạm