Các mô hình VAC đang đem lại lợi ích hàng trăm triệu đồng cho người dân |
Các mô hình tiền tỷ
Xuất phát điểm là hộ cận nghèo, năm 2008, chị Vương Thị Thượng (xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên) bắt tay xây dựng mô hình trồng cam sành kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch, đảm bảo tốt ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của chị Thượng nhanh chóng phát huy hiệu quả cao, với tổng doanh thu bình quân 350 – 500 triệu đồng/năm (kể từ năm 2016 đến nay), lợi nhuận đạt 280 – 350 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về bí quyết thành công, chị Thượng cho hay: “Để nâng cao hiệu quả, người sản xuất phải nắm chắc kỹ thuật, chủ động áp dụng khoa học – công nghệ mới, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm”.
Tương tự, mô hình VAC của ông Nguyễn Khắc Tình (xã Tân Quang, huyện Bắc Quang) cũng đang cho hiệu quả vượt trội. Hiện, gia đình ông Tình có 3,5 ha cây có múi, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó, riêng cam sành có diện tích 2,5 ha, mỗi năm cho sản lượng 25 – 30 tấn quả, thu nhập 60 – 70 triệu đồng.
Để có nguồn phân bón cho vườn cây, ông Tình mở thêm trang trại chăn nuôi trâu, bò và lợn. Nhờ sản xuất an toàn, chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật, mô hình này mang lại cho gia đình ông nguồn thu khoảng 120 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí, thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nước suối chảy quanh năm, ông Tình thuê nhân công đào trên 8.000 m2 mặt nước để nuôi tôm, cá trắm cỏ, cá trôi Ấn Độ, cá mè, cá chép kết hợp với nuôi tôm càng xanh và cua đồng. Nuôi trồng thủy sản giúp gia đình ông thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm.
Các mô hình VAC sẽ được chú trọng ATLĐ để đảm bảo hiệu quả bền vững |
Hướng đến hiệu quả bền vững
Ông Nguyễn Văn Tự - Chủ tịch Hội Làm vườn Hà Giang, cho biết: “Để có được thành công trên, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai xây dựng mô hình “vườn an toàn, hiệu quả”, hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi trồng, sử dụng hóa chất hợp lý. Nhờ đó, đã đem lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường, nâng cao ATLĐ và phát triển kinh tế”.
Thực hiện kế hoạch, chương trình của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, ATLĐ, các ban ngành chức năng, trong đó có Hội Làm vườn đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân làm vườn an toàn, hiệu quả.
Theo đó, Hội Làm vườn đã tập huấn kỹ thuật và tổ chức cho người dân đi tham quan các mô hình kinh tế VAC hiệu quả; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ làm vườn phải có hố thu gom chất thải chăn nuôi, ủ phân chuồng đúng kỹ thuật hoặc xử lý phân chuồng bằng hệ thống Biogas.
Các hộ sản xuất cũng được hướng dẫn sử dụng nguồn nước chăn nuôi và tưới tiêu không bị ô nhiễm; hạn chế bón phân vô cơ; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, không sử dụng thuốc trừ cỏ, các chất cấm trong chăn nuôi, đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất.
“Để đảm bảo hiệu quả bền vững cho các mô hình, đồng thời nhân rộng các điển hình VAC trên toàn địa bàn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh các nguồn lực, đặc biệt là về vốn, thị trường, nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tập huấn ATLĐ, vệ sinh thực phẩm cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Tự nhấn mạnh.
Hạ Vy