Điện Phước là xã thuần nông chủ yếu độc canh cây lúa, với diện tích đất sản xuất mỗi vụ 300 ha. Trước đây thành viên HTX chủ yếu sản xuất lúa lương thực theo hướng manh mún và tự phát, sản phẩm làm ra thường bị tư thương ép giá khi vào vụ thu hoạch.
Cánh đồng kiểu mẫu của HTX Điện Phước 1 (Ảnh: TL) |
Xây dựng cánh đồng lớn
Nhằm giải quyết những khó khăn này, HTX đã tiến hành liên doanh, liên kết với các công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất, chế biến và cung ứng lúa giống ra thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và đưa HTX phát triển ngày càng lớn mạnh.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã từng bước đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, sân phơi và máy móc thiết bị phục vụ cho việc phơi, chế biến lúa giống.
Đến nay, HTX đã xây dựng được trên 4.000 m2 sân phơi, 1.500 m2 nhà xưởng, trang bị 04 lò sấy với công suất 40 tấn/ngày, 02 máy sơ chế và 01 hệ thống băng tải cùng một số máy móc thiết bị, dụng cụ hỗ trợ khác phục vụ cho việc chế biến giống.
Thêm vào đó, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn và đã tổ chức đồn điền đổi thửa được 3/5 thôn trên địa bàn, đồng thời xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 65 ha tại thôn La Hòa.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng ngày càng được hoàn thiện, tỷ lệ bê tông kênh mương và giao thông nội đồng đạt từ 70-80 %, góp phần phục vụ đắc lực cho việc sản xuất lúa giống của thành viên HTX.
HTX đã đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và năng lực chuyên môn về kỹ thuật trồng trọt để thực hiện triển khai sản xuất 1.300 - 1.500 tấn lúa giống mỗi năm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
So với sản xuất lúa thương phẩm, việc sản xuất lúa giống đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và góp phần nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Sau khi trừ các khoản chi phí, HTX lãi bình quân từ 250 đến 300 ngàn đồng/kg và với lượng giống sản xuất hằng năm từ 1.300 đến 1.500 tấn/năm thì việc sản xuất lúa giống đã mang lại cho HTX khoản lợi nhuận từ 350 đến 400 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, do sử dụng nguồn giống tốt và chế độ thâm canh hợp lý đã làm năng suất lúa giống cao hơn lúa thương phẩm từ 10-15%.
Liên kết cùng phát triển
Do thói quen canh tác manh mún và tự phát nên việc thu hút thành viên tham gia sản xuất lúa giống gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Không chỉ vậy, việc đưa vào sản xuất một số loại giống mới ngoài các giống truyền thống đã khiến thành viên tham gia sản xuất không yên tâm về năng suất.
Sản xuất và đưa lúa giống có chất lượng tốt ra thị trường (Ảnh: TL) |
Trước tình hình đó, HTX đã thực hiện nhiều chủ trương nhằm thu hút thành viên yên tâm tham gia sản suất giống.HTX đã cử cán bộ thường xuyên bám đồng để hướng dẫn và chỉ đạo việc gieo trồng, chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Để giảm gánh nặng đầu tư ban đầu cho thành viên, ngay từ đầu vụ HTX đã cung ứng trước cho thành viên các loại vật tư nông nghiệp như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá trị đầu tư ứng trước thu hồi cuối vụ từ 2,5 đến 2,8 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt khi thực hiện việc ký kết hợp đồng sản xuất với thành viên, HTX cam kết sẽ thu mua hết lượng lúa giống do thành viên sản xuất ra theo giá lương thực quy đổi tại thời điểm thu mua.Trong trường hợp không thể thu mua hết số lượng, HTX sẽ bù khoản chênh lệch giữa làm lúa giống với lúa thương phẩm cho thành viên.
Với những thành tích đạt được, HTX được tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý: 2 Huân chương lao động hạng Nhì; 02 Huân chương lao động hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua của UBND tỉnh và nhiều Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh…
Ngọc Giang