Tham dự Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh Doanh (VnBusiness) tổ chức, ông Trần Huy Lanh, Giám đốc HTX Nông sản sạch Đoàn Kết Tân Quang (thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn), cho biết rất vui vì nhìn thấy cơ hội để đưa sản phẩm của HTX tiếp cận với người tiêu dùng Thủ đô, cũng như tìm thêm các đối tác doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các bộ ngành, Liên minh HTX Việt Nam để vượt qua thách thức mà HTX đang gặp phải.
Mỗi năm thu hàng tỷ đồng nhờ trồng chuối, trồng ổi
Theo đó, hành trang được ông Lanh đem tới Hà Nội lần này là những túi chuối tiêu sấy dẻo, nải chuối tiêu, chuối ngự và những trái ổi to tròn. Đây vốn là những loại trái cây chủ lực của HTX, đang giúp nhiều hộ nông dân tại Lục Ngạn có cuộc sống ấm no.
Chuối tiêu của HTX nông sản sạch Đoàn Kết Tân Quang được trồng trên đất phì nhiêu, khí hậu thích hợp nên có năng suất cao và hương vị đặc biệt. |
“Tôi sẽ bổ ngay những trái ổi này cho các anh chị thưởng thức mới được”, ông Lanh nói. Kết quả, những khách mời tham dự Diễn đàn ai cũng tấm tắc khen ngon bởi hương vị đặc biệt của trái ổi được ông Lanh cất công đem từ vùng sơn cước Lục Ngạn về Thủ đô. Nhiều người còn ngỏ ý xin số điện thoại để mua hàng.
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí Kinh Doanh, Giám đốc Trần Huy Lanh kể, HTX nông sản sạch Đoàn Kết Tân Quang có 8 thành viên tham gia với diện tích 30 ha. Mỗi năm, sản lượng chuối ngự, chuối tiêu, ổi cho thu hoạch khoảng 1.000 tấn/năm.
Trong đó, chuối ngự 40 tấn/năm, chuối tiêu hồng đạt 500 tấn/năm, ổi Thái Sơn đạt 400 tấn/năm. Sản lượng trái cây sẽ tăng trưởng theo từng năm.
“Sản phẩm chuối tiêu của chúng tôi được trồng trên đất phì nhiêu, khí hậu thích hợp nên hương vị rất đặc biệt, khi chín không có vị chua mà thơm ngon, ngọt, dẻo, cuống xanh”, ông Lanh giới thiệu.
Trong khi đó, những trải ổi no tròn, vỏ sần sùi nhưng vị rất ngọt, giòn khiến người ăn không khỏi không tấm tắc khen ngon.
Giám đốc HTX Đoàn Kết Tân Quang chia sẻ, bản thân ông vừa là quản lý HTX, vừa có trang trại nhưng cũng đồng thời là “thương lái” đi phân phối chuối, ổi của HTX tới các đầu mối. Kết quả, sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường như Lạng Sơn.
Hiện nay, chuối bán theo nải tại vườn cho thương lái trung bình là 25.000 đồng/nải, tùy kích cỡ; trong khi bán theo trọng lượng là 6.000 – 8.000 đồng/kg. Hay sản phẩm ổi, tại vườn rẻ nhất cũng bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg, khi giá cao có thể lên tới 18.000 – 20.000 đồng/kg.
Ông Lanh cho biết, gia đình ông có trang trại cho thu hoạch khoảng 400 tấn/năm, nếu giá cả thuận lợi có thể đạt thu nhập cả tỷ đồng/năm.
Dù thị trường 2 năm nay khá ổn định, sản phẩm cho thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó, nhưng bản thân ông Lanh vẫn đau đáu nỗi niềm đưa thương hiệu chuối, ổi Tân Quang nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung đi xa hơn nữa.
Nỗi trăn trở của "thuyền trưởng" HTX
Giám đốc HTX Đoàn Kết Tân Quang nhớ lại, trong giai đoạn dịch COVID-19 có thời điểm phong tỏa khiến sản phẩm của nông dân, HTX lao đao vì không có hợp đồng bao tiêu từ trước, thương lái không đến thu mua được. Trong khi đó, “chuối chín rất nhanh, chỉ vài ngày là hỏng, thối bỏ đi”.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân (thứ 2 bên trái) trò chuyện với Giám đốc HTX Nông sản sạch Đoàn Kết Tân Quang |
Cũng thời điểm đó, ông Lanh nghĩ rằng sản phẩm trái cây của mình cần phát triển bền vững hơn. Trước mắt là thành lập HTX, thu hút các hộ dân trong vùng tham gia và tìm cách chế biến sâu sản phẩm.
Với trăn trở nâng cao giá trị nông sản, HTX đang tìm cách chế biến sâu sản phẩm, thay vì chỉ bán tươi cho thương lái bằng cách đầu tư lò sấy để cho ra đời những túi hoa quả sấy dẻo thơm ngon.
Cầm trên tay túi chuối sấy, Giám đốc HTX Đoàn Kết Tân Quang hồ hởi giới thiệu, đây là thành quả của mẻ sấy đầu tiên thử nghiệm, được bà con ở địa phương đón nhận đặt mua. Tuy nhiên, ông nhận định, đây mới là thị trường bề nổi, do vậy HTX vẫn chưa tin tưởng để mở rộng chế biến và có mong muốn tìm các doanh nghiệp hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cam kết thu mua bền vững.
Đến thăm gian hàng của HTX Đoàn Kết Tân Quang, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá cao giải pháp mà HTX đang triển khai, đó là tìm cách chế biến sâu các sản phẩm. Song, về mẫu mã, bao bì, chất lượng, Chủ tịch lưu ý nên đầu tư hơn nữa, có mã vạch truy xuất nguồn gốc, cũng như đóng gói thành nhiều kích cỡ.
“Tôi nghĩ rằng những việc này, anh nên làm ngay vì điều này sẽ rất tốt để HTX đi tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Việc có mã truy xuất nguồn gốc sẽ giúp nhà mua hàng biết rõ chất lượng, người mua yên tâm về sản phẩm. Nếu nguồn lực của HTX còn hạn hẹp thì có thể liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng phương án kinh doanh khả thi để tiếp cận thêm nguồn vốn hỗ trợ”, Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân gợi ý.
Với trăn trở nâng cao giá trị nông sản, HTX đang tìm cách chế biến sâu sản phẩm. Trong ảnh: Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đang xem sản phẩm chuối tiêu được HTX sấy theo công nghệ lò. |
Lắng nghe ý kiến của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Giám đốc HTX Đoàn Kết Tân Quang cho biết về sẽ làm ngay, nhờ sự trợ giúp của Phòng Nông nghiệp địa phương để triển khai. Tuy nhiên, ông Lanh cũng bày tỏ rất mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong việc kết nối phát triển thị trường cho sản phẩm.
Theo ông Lanh, khó lớn nhất của HTX là phát triển vùng trái cây theo các tiêu chuẩn bền vững như hữu cơ để nâng cao giá trị, cũng như đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm.
“Dành cả cuộc đời để làm nông nên tôi cũng biết trồng cây trái không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học là xu hướng tất yếu mà thị trường yêu cầu. Nhưng để nói về quy trình cụ thể, đảm bảo không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, theo theo một tiêu chuẩn nhất định và được thị trường đón nhận thì thú thực bản thân tôi và HTX vẫn còn mù mờ”, ông Lanh chia sẻ.
Theo đó, Giám đốc HTX Đoàn Kết Tân Quang cho biết rất mong muốn liên kết với doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm và đảm bảo thị trường đầu ra bền vững, thay vì chỉ phụ thuộc vào các thương lái, các thỏa thuận mua bán tự do.
Lê Thúy