Những thành công trong chuyển đổi nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với an toàn sinh thái là điểm tựa để miền sơn cước Lục Ngạn đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp người dân làm giàu bền vững với nhiều mô hình sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi.
Giá trị kép từ cây ăn quả VietGAP
Cùng với vải thiều, những năm qua, các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh… đang được người nông dân Lục Ngạn triển khai nhân rộng, đem lại lợi ích cao.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả, các mô hình liên kết trồng cây có múi trên địa bàn huyện ngày càng được nhân rộng. Điển hình như tại xã Tân Quang, năm 2017, HTX cây ăn quả Lục Ngạn được thành lập. Đến nay, HTX có 22 hộ thành viên, tổng diện tích trồng cam, bưởi đạt trên 50 ha.
Cùng với vải thiều, cây có múi đang là cây trồng chủ lực ở Lục Ngạn (Ảnh: BG). |
Đến nay, 100% diện tích cây có múi của HTX đang được sản xuất theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường, trong đó đã có 20 ha cam đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2018.
Ông Trần Đăng Vinh, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện, sản phẩm của thành viên HTX đang được thương lái đến tận vườn thu mua. Với mục tiêu tăng diện tích sản xuất theo hướng sạch, đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cao hơn nữa là xuất khẩu, HTX đang rất chú trọng và tuân thủ quy trình sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Cụ thể, trong quá trình canh tác, các loại cây trồng được thành viên HTX chăm sóc theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối loại bỏ các loại hóa chất độc hại.
Để cây trồng phát triển tốt, cho trái ngon, HTX hướng dẫn thành viên, hộ liên kết cách ủ phân chuồng, xử lý vi sinh nhằm diệt hết vi khuẩn gây hại, đảm bảo giá trị dinh dưỡng, giúp cây phát triển mạnh, năng suất cao. Đồng thời, tính toán lượng phân cần thiết để tránh dư thừa, lãng phí, giảm thiểu ô nhiễm.
Hay trong việc sử dụng thuốc, dù được tuyển chọn kỹ lưỡng theo danh mục cho phép, quá trình phun vẫn được các hộ thành viên HTX tuân thủ nguyên tắc đúng liều lượng, đúng cách thức và cách ly đủ thời gian. Khi trái đã đạt kích thước nhất định, các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường sẽ được ưu tiên.
Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi
Sự tham gia của các HTX cùng những thay đổi trong tư duy sản xuất giúp cây có múi nói riêng và cây ăn quả nói chung đang trở thành mô hình kinh tế chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp huyện Lục Ngạn. Đến nay, toàn huyện đang có gần 10.000 ha cây ăn quả chất lượng cao, trong đó diện tích áp dụng VietGAP, hữu cơ ngày càng được nâng lên, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.
Không chỉ trong trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng đang có những chuyển biến sâu theo hướng xanh, sạch, an toàn, nâng cao giá trị gia tăng.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 100 mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chuyển đổi nông nghiệp huyện Lục Ngạn theo hướng xanh, an toàn có dấu ấn quan trọng của các HTX (Ảnh: BG). |
Đơn cử có thể kể đến HTX nuôi ong mật xã Nghĩa Hồ. Anh Nguyễn Văn Cường, thành viên HTX, cho biết nuôi ong lấy mật cần có nguồn thức ăn dồi dào, như vậy mới cho năng suất và chất lượng cao. Các vườn vải của thành viên được trồng theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường, chính là nền tảng để HTX nuôi ong an toàn.
Đến nay, HTX có hơn 4.000 đàn ong, mỗi năm cho khoảng 400 tấn mật, cung cấp khắp các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang châu Âu. Để sản phẩm mật ong có chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng, HTX đã kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi trồng đến khâu đóng chai, vận chuyển.
Để đạt được chứng nhận mật ong VietGAP, đáp ứng được các yêu cầu trong xuất khẩu, HTX phải bảo đảm các yếu tố về con giống, thức ăn, nước uống, quản lý đàn, quản lý dịch bệnh…
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất thải và bảo vệ môi trường cũng được chú trọng. HTX đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn môi trường. Chất thải từ nước rửa thùng, dụng cụ nuôi ong, nước dùng trong quá trình khai thác mật ong đều được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Để bảo đảm ong không tiếp xúc với những chất thải nguy hại, HTX đã làm sạch những thùng chứa và bảo quản chất thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ở khu vực kín.
Đặc biệt, HTX không nuôi ong gần ao hồ, nhà máy nước, ruộng lúa hay khu chăn nuôi. Vệ sinh tổ 1 lần/năm và 3 năm thay thùng 1 lần cũng được các thành viên thực hiện đúng quy trình.
Các thùng nuôi ong cũng được HTX sử dụng bằng những loại gỗ như mít, keo, không sử dụng thùng xốp hay thùng nhựa làm ảnh hưởng đến chất lượng mật lại gây ô nhiễm môi trường vì những thùng này khi bị hỏng đều khó xử lý.
Có thể thấy, ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn đang chuyển dịch đúng hướng, mang lại giá trị cao cho nông dân. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, huyện dự kiến nâng cao vai trò liên kết của các HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, tăng giá trị gia tăng. Đồng thời, thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ từ vốn vay, đất đai, đến chuyển giao khoa học kỹ thuật; tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành quản lý, địa phương, tạo điểm tựa vững vàng cho nông dân.
Hưng Nguyên