Đầu tháng 4/2023, phóng viên VnBusiness có dịp đến thăm các HTX ở "tâm vải" Lục Ngạn, những ngày này, thành viên các HTX đang đẩy mạnh chăm sóc vườn vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đang độ phát triển trái. Để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng, xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đòi hỏi các HTX phải xây dựng chuỗi các quy trình chăm sóc, sản xuất nghiêm ngặt.
Sẵn sàng cho một mùa vụ thành công
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải thiều của HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, ông Phan Văn Nết- Giám đốc HTX cho biết: “Từ khi mới thành lập, HTX đã đăng ký cấp mã số vùng trồng nhằm đảm bảo độ uy tín, tạo sự tin tưởng cho thị trường tiêu dùng. Đến nay, nhờ sản xuất đúng quy trình tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, nên năm nào vườn vải của các thành viên HTX cũng đều trúng mùa, sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá ổn định”, ông Nết chia sẻ.
Phó Giám đốc HTX Phì Điền (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với phóng viên về mô hình trồng, sản xuất vải của HTX. |
Vì sản lượng vải hàng năm rất lớn, trong khi thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn nên HTX đã đầu tư thêm các thiết bị máy móc công nghệ phục vụ cho việc sấy khô. Điều này được ông Nết giải thích sẽ đảm bảo chất lượng quả, thời gian bảo quản lâu hơn và giá trị gia tăng lớn. Mặt khác, từ khâu chọn lọc quả đến bao bì đóng gói đều được các thành viên trong HTX kiểm tra cẩn thận.
Chỉ tay về phía những quả vải thiều đang độ trưởng thành, ông Nguyễn Văn Tiệp - Phó Giám đốc HTX sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền cho biết: “Hàng năm, riêng tiền bao bì đóng gói chúng tôi đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Sản phẩm ngon thôi chưa đủ, khi cầm trên tay nhìn phải an toàn sạch sẽ, bao bì mẫu mã sản phẩm đẹp mắt, có tem mác xuất xứ đầy đủ thì người mua mới yên tâm tin tưởng lâu dài”, ông Tiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Giám đốc HTX sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền mong muốn được mở rộng thị trường xuất khẩu cho quả vải thiều Bắc Giang
Cùng với đó, HTX đã tiến hành huy động nguồn nhân lực đảm bảo thu hoạch, sơ chế, đóng gói kịp thời để tiêu thụ vải thiều. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thương hiệu, chất lượng quả vải thiều Bắc Giang.
Cũng trên địa bàn huyện Lục Ngạn, nói đến sản xuất vải loại 1 thì ai cũng nhắc đến HTX Lục Ngạn Xanh, chị Trần Ngọc Ánh, thành viên HTX dẫn phóng viên tham quan vườn vải đang độ phát triển, xanh mướt, chị cho biết, mục tiêu của HTX ngay từ khi thành lập là sản xuất ra những trái vải đảm bảo an toàn, giữ vững giá trị, không bị lên xuống do được mùa mất giá.
“Ai cũng hỏi tại sao HTX lại có slogan là “thu hoạch trong đêm, thu mua trong ngày”, tôi cũng chia sẻ thật là do trái vải là một loại quả “đỏng đảnh”. Nếu bẻ vào ban ngày nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, quả vải sẽ nhanh hỏng nên các thành viên luôn sắp xếp thời gian thu hoạch trong đêm để đảm bảo quả vải thiều luôn tươi mới và kịp giao bán mỗi sáng sớm.”, chị Trần Ngọc Ánh nói.
Những vườn vải của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái vải cho chất lượng mang đặc trưng riêng của vải Lục Ngạn với vị ngọt, thơm, vỏ mỏng, hạt nhỏ.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các cơ quan chuyên môn của huyện, HTX đã áp dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để cây vải sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng. Đồng thời, tiến hành chế độ giám sát đặc biệt chặt chẽ vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản…
Mong đẩy mạnh giao thương thị trường quốc tế
Vải thiều Bắc Giang hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 08 quốc gia (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia) và được xuất khẩu tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.... Vải thiều của Bắc Giang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.
Trái vải được ví là một loại quả “đỏng đảnh”, nếu thu hoạch vào ban ngày nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, quả vải sẽ nhanh hỏng nên các thành viên HTX luôn sắp xếp thời gian thu hoạch trong đêm. |
Đại diện UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2023 huyện duy trì sản xuất trên 17,3 nghìn ha vải thiều, tăng 1,6 nghìn ha so với năm 2022, sản lượng ước đạt khoảng 98 nghìn tấn, trong đó vải sớm khoảng 25 nghìn tấn, vải chính vụ khoảng 73 nghìn tấn. Dự kiến năm nay sẽ có hơn 43,3 nghìn tấn vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đông Nam Á, EU... Tiêu thụ trong nước khoảng 35 nghìn tấn, tập trung vào các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối…
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong trồng và tiêu thụ vải thiều, song theo ông Nguyễn Văn Tiệp vẫn còn một số khó khăn nhất định, do vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn nên công tác thu hoạch và bảo quản đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt. Cùng với đó, công tác mở rộng thị trường vẫn còn nhiều hạn chế.
“Chúng tôi mong muốn, các cấp chính quyền hỗ trợ các HTX đẩy mạnh thông thương thị trường quốc tế. Nếu chỉ tiêu thụ trong nước sẽ khó tiêu thụ hết sản lượng, đồng thời đưa ra các hướng mới cho HTX, để sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đáp ứng các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản...”, ông Tiệp cũng chia sẻ.
Được biết, trong vụ thu hoạch vải thiều tới đây, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về địa phương thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Dự kiến năm nay, thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ nhập vải thiều Việt Nam với số lượng lớn hơn năm trước, nhưng nếu không đáp ứng đủ về chất lượng và số lượng thì khó có thể duy trì lâu dài. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang cần xây dựng các vùng vải tập trung để có thể ứng dụng công nghệ cao và chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm.
Hương Giang