Huyện Sơn Động được coi là “vùng trũng” của Bắc Giang vì có đến 21 xã đặc biệt khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi lại bị chia cắt bởi sông suối, thường xuyên hứng chịu thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất… Huyện có 14 dân tộc chung sống, mặt bằng dân trí còn tương đối thấp, mức sống và thu nhập của người dân còn khó khăn.
Phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau"
Tuy nhiên, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã mang lại sự thay đổi lớn lao, giúp người dân loại bỏ những tập quán làm ăn lạc hậu, xua tan sự đói nghèo.
Có được điều này huyện đã xác định, từng bước hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Trong đó, đặc điểm của người dân là có kinh nghiệm trong sản xuất nông, lâm nghiệp nên huyện chú trọng đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, khuyến khích thành lập mô hình kinh tế tập thể để thu hút doanh nghiệp vào liên kết.
Tận dụng lợi thế đồi rừng, nhiều người dân đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Nhưng thay vì phát triển tự phát, mỗi nhà nuôi một vài đàn, huyện đã kết hợp cùng một số địa phương hỗ trợ người dân liên kết, thành lập HTX. Mô hình HTX ong mật hữu cơ Sơn Động thuộc xã Tuấn Đạo là một ví dụ điển hình cho việc sản xuất thành công nhờ vào thế mạnh địa phương.
Thời gian ban đầu, HTX chỉ có 20 thành viên nhưng đến nay đã có 44 thành viên, trong đó 6 thành viên là hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Vào HTX, các thành viên được hỗ trợ nuôi ong và sản xuất mật theo quy trình khép kín, với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. HTX cũng liên kết với các cơ quan chức năng để xúc tiến thương mại, đầu tư bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy, thay vì thu nhập chỉ 2-3 triệu đồng/tháng từ nuôi ong nhỏ lẻ, các thành viên đã có thu nhập từ 5-15 triệu đồng/tháng, tùy quy mô đàn. Tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia HTX cũng đã thoát nghèo.
Hiệu quả từ những gì mang lại đã giúp HTX Sơn Động trở thành điểm đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo trong huyện làm kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật.
Không chỉ phát triển sản xuất, Sơn Động còn tận dụng điều kiện, thế mạnh từ nông nghiệp để phát triển du lịch. Đây là cú hích để các hộ nghèo khai thác tiềm năng của địa phương để nâng cao thu nhập.
Đến nay, huyện đã thành lập, phát triển các khu du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng Khe Rỗ, Đồng Cao, Bản Mậu gắn với văn hóa bản địa. Nhiều địa phương cũng đã lấy các HTX làm điểm tựa để phát triển mô hình du lịch. Tiêu biểu như HTX du lịch cộng đồng tại bản Nà Hin (xã Vân Sơn), HTX du lịch cộng đồng thôn Nà Ó (xã An Lạc); HTX du lịch cộng đồng tổ dân phố Mậu (thị trấn Tây Yên Tử)…
Thành viên trong các HTX này đều được đào tạo các dịch vụ du lịch kết hợp phát triển và bán các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương. Hoạt động này không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá sản phẩm địa phương.
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (thị trấn Tây Yên Tử) ngoài trồng và sản xuất măng tre, HTX còn đứng ra thu mua, phân phối các sản phẩm bản địa như: mật ong Tây Yên Tử, măng mai, nấm lim xanh và rượu nấm lim xanh… Tất cả những sản phẩm này đều được đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao, 3 sao nên được khách du lịch ưa chuộng.
Trợ lực từ nguồn vốn
Không chỉ hỗ trợ người dân liên kết phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh địa phương, huyện còn chú trọng hỗ trợ về vốn để người dân có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở... nhằm thoát nghèo bền vững
Đặc biệt, được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, tổ chức tín dụng, hàng tỷ đồng đã được đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nuôi ong lấy mật giúp người người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo. |
Ngay trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ Sơn Động trong sửa chữa, xây mới cho 50 hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã hỗ trợ làm nhà ở cho 54 hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công của huyện để thoát nghèo, với kinh phí trên 400 triệu đồng.
Hay như HTX Du lịch cộng đồng tổ dân phố Mậu, từ nguồn ngân sách của chương trình giảm nghèo, HTX đã được các ngành chức năng hỗ trợ tập huấn, học tập mô hình, hỗ trợ hạ tầng, công trình nhà vệ sinh, nhà tắm ngâm thuốc lá người Dao để làm du lịch cộng đồng.
Để phát triển sản phẩm OCOP, thúc đẩy người dân nâng hạng sản phẩm, hằng năm, huyện đều có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh với định mức 100 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao; 130 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao và 200 triệu đồng/một sản phẩm đạt 5 sao.
Theo đánh giá của ngành chức năng, Sơn Động là huyện có tỷ lệ hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cao, nên nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất lớn. Chính vì vậy, các chính sách ưu đãi, chương trình tín dụng của huyện đều ưu tiên phân bổ vốn giải ngân cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách của huyện đủ điều kiện vay vốn.
Từng bước nâng cao đời sống
Nhờ những lực đẩy thiết thực, đời sống của người dân Sơn Động đã từng bước được nâng lên. Theo thống kê, đến hết năm 2022, toàn huyện còn 4.368 hộ nghèo (chiếm gần 21%), giảm 13% so với năm 2021; 4.619 hộ cận nghèo, chiếm 22%.
Anh Lý Văn An (dân tộc Dao, xã Dương Hưu) cho biết, nhờ được hỗ trợ giống, kỹ thuật và nguồn vốn, anh đã phá bỏ vườn bạch đàn giống cũ, đưa giống keo mới vào trồng. Nhờ phát triển kinh tế rừng, trung bình mỗi năm, gia đình anh có nguồn thu hơn 200 triệu đồng nên kinh tế gia đình khấm khá hơn. Anh đang ấp ủ dự định sẽ thành lập HTX để cùng nhau liên kết phát triển kinh tế rừng theo mô hình trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao thu nhập.
Dù đã có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, song so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện vẫn còn khá cao. Huyện đang định hướng từ nay đến năm 2025, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 - 3,0%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2025 còn 13%.
Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đang tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng, nhân rộng các dự án mô hình giảm nghèo, từ đó phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân trong đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp từ đó giúp họ đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Minh Nhương