Mỗi năm, HTX Lâm San (Đồng Nai) xuất khẩu gần 1.000 tấn tiêu hữu cơ sang châu Âu và tiêu thụ trong nước 1.500 tấn; HTX Trái cây sinh học OCOP (Hậu Giang) cũng đang xuất khẩu ớt chỉ thiên sang châu Âu bằng đường hàng không. Điều này cho thấy, gia vị do các HTX sản xuất hoàn toàn có đủ khả năng xuất khẩu vào các thị trường "khó tính".
Không dễ xuất khẩu
Trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới về gia vị rất lớn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gia vị của Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào các sản phẩm như hồ tiêu, quế, hồi…
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, gia vị có trang trại chính ở Cần Thơ cho biết, nhu cầu về gia vị của các nước hiện nay rất lớn. Chẳng hạn như người Trung Đông khi sử dụng cà phê vẫn có thói quen cho thêm gia vị. Tại Pháp, người dân tiêu thụ nhiều mù tạt nhưng lại có diện tích cây cải nâu để sản xuất mù tạt rất khiêm tốn. Còn tại Trung Quốc, sản xuất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, biến đổi khí hậu nên gây ra tình trạng mất mùa, giảm sản lượng các loại nông sản như gừng, cà rốt, tỏi, khoai tây…
Đặc biệt, Trung Quốc xuất khẩu nhiều loại gia vị nhưng khi nước này bị giảm sản lượng do thiên tai, các nhà nhập khẩu thường có xu hướng tìm kiếm nguồn hàng từ các nước lân cận. Đây là cơ hội lớn cho HTX, doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng này. Trong khi Việt Nam lại có đa dạng các loại gia vị.
Tuy nhiên, theo các HTX, sản xuất gia vị để xuất khẩu không hề đơn giản. Tiêu biểu như HTX Lâm San, muốn xuất khẩu hồ tiêu sang các nước châu Âu, HTX phải mất nhiều thời gian để sản xuất đúng quy trình hữu cơ, đầu tư nhiều tiền bạc để có máy móc sơ chế, đóng gói nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.
Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP cho biết, các thị trường "khó tính" như EU yêu cầu rất cao về chất lượng. Nhiều loại gia vị của Việt Nam xuất sang thị trường này đều phải trải qua các đợt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và họ yêu cầu mức dư lượng tối đa đối với một số hoạt chất như tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) chỉ ở mức 0,01 thậm chí là 0.
Nhiều HTX đang xuất khẩu ớt bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp. |
Trong khi đó, không chỉ hồ tiêu mà hầu hết các loại cây gia vị thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, khí hậu, nhất là những loại cây ăn lá, nên để có được một vùng nguyên liệu gia vị đủ lớn để xuất khẩu không hề dễ dàng. HTX, doanh nghiệp phải thu mua từ nhiều vùng nguyên liệu khác mới bảo đảm đơn hàng lớn nhưng điều này lại không bảo đảm được tiêu chí về mã vùng trồng mà một số thị trường như EU đang yêu cầu.
Cơ hội cho những HTX tiên phong
Thực tế, gia vị là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhu cầu về gia vị hữu cơ, gia vị có chứng nhận ngày càng cao, nhất là đối với các thị trường như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Nhưng đi liền với việc các HTX, doanh nghiệp đã xuất khẩu được những lô hàng thành công thì ngược lại vẫn có những lô hàng gia vị xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo, trả về vì không bảo đảm được chất lượng.
Để các HTX và doanh nghiệp có thể đạt được thành công trong việc xuất khẩu gia vị, nhất là vào thị trường châu Âu, các chuyên gia cho rằng, nắm bắt thị trường, thị hiếu khách hàng là điều quan trọng. Chẳng hạn như quy trình sản xuất hành củ của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng các giống hành có nhiều tép, gây khó khăn trong sơ chế, làm sạch. Trong khi người tiêu dùng thế giới lại ưa chuộng loại hành chỉ có một tép...
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia quốc tế Boris Rafalski, CEO của Soul Spice (một doanh nghiệp thu mua gia vị quốc tế) và cũng là thành viên Hội đồng Chuyên gia của Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) khuyến nghị, điều đầu tiên mà các đơn vị xuất khẩu cần làm là xây dựng được quan hệ đối tác lâu dài và uy tín với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng nhất.
Và tất nhiên, để làm được điều này, ông Boris Rafalskicho cho rằng, các đơn vị sản xuất cần phải quan tâm tới những nội dung về môi trường, về con người đảm bảo phát triển bền vững trong từng bước của quy trình sản xuất. Bởi thực tế đã có nhiều đơn vị sản xuất gia vị ở Việt Nam sản xuất theo hướng hữu cơ, organic nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích vì vấn đề sản xuất văn minh, bền vững trong nông nghiệp đối với nhiều người dân vẫn còn là điều mới mẻ.
Bên cạnh đó, để xuất khẩu thành công, việc sản xuất bền vững không chỉ dành cho phía HTX, doanh nghiệp mà cần phải có chiến lược phát triển bền vững cho cả ngành hàng thì mới tạo ra được hiệu quả cao.
Bởi, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, gia vị phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không dư lượng thuốc trừ sâu. Muốn vậy phải có một quy trình, hệ thống quản lý đảm bảo được an toàn thực phẩm phù hợp. Và điều này cần có sự tham gia của Nhà nước.
GS.TS. Trần Văn Ơn, Cố vấn OCOP Quốc gia cho biết, một trong những loại gia vị hàng đầu ở Việt Nam hiện nay là quế nhưng ngành hàng này vẫn phát triển thiếu bền vững. Phần lớn các vùng trồng quế hiện nay khai thác diện tích đất từ chân đồi đến đỉnh đồi nên không bảo đảm được tính bền vững. Bên cạnh đó, mới chỉ có 5% diện tích quế đạt tiêu chuẩn organic, còn lại chỉ phát triển theo cấp độ gia đình, ít chế biến sâu nên không thể xuất vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao.
Gia vị hữu cơ từ nguồn cung ứng có trách nhiệm tuy là thị trường ngách nhưng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường châu Âu do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các nhà cung cấp hữu cơ và đối xử thương mại công bằng. Người tiêu dùng châu Âu được cho là phân khúc khách hàng khó tính, nhưng lại có khả năng định hướng và dẫn dắt thị trường, trong đó có thị trường gia vị.
Điều này cho thấy, sản xuất gia vị bền vững rõ ràng là cơ hội cho những HTX, doanh nghiệp đi trước đón đầu, nhưng lại là khó khăn với những HTX, doanh nghiệp chậm chuyển đổi và thiếu nguồn lực.
Huyền Trang