Bà Phạm Thị Tuyết, Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong những năm qua, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX tỉnh luôn đồng hành, tiếp sức giúp đỡ các HTX tháo gỡ khó khăn về vốn thông qua hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng phát triển các HTX.
HTX mong vốn để phát triển
Hiện nay toàn tỉnh Phú Thọ có 542 HTX, 946 THT, 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động, chủ yếu ở các lĩnh vực như nông lâm nghiệp thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải thương mại và dịch vụ... Hoạt động của các HTX, THT và liên hiệp HTX đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong khu vực nông thôn, đóng góp không nhỏ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm mì gạo của HTX mì gạo Hùng Lô được thị trường đón nhận. |
Tuy nhiên trong bối cảnh chung của nền kinh tế, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể gặp không ít khó khăn, trong đó chủ yếu là thiếu vốn để mở rộng, phát triển sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc, vốn lưu động... Trong bối cảnh đó, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu tăng cao, giúp các thành viên vươn lên thoát nghèo.
Anh Cao Đăng Duy, Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô chia sẻ: Năm 2017 bằng các nguồn vốn tự có, vốn do các hội viên đóng góp, cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, mở xưởng sản xuất mì gạo, bắt tay vào xây dựng thương hiệu "Mì gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô".
“Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ, HTX đã đầu tư được máy móc hiện đại để sản xuất ra 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh như: Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, siêu thị Vinmart, Big C… đặt hàng”, anh Duy cho hay.
Với việc gắn sao OCOP cho sản phẩm mì, thời gian qua, HTX mì gạo Hùng Lô đã xuất khẩu hơn 7,5 tấn mì gạo và bánh phở khô đạt chuẩn OCOP 4 sao sang thị trường Nhật Bản, với giá trị hơn 260 triệu đồng. Dự kiến năm 2023, HTX sẽ tiếp tục xuất khẩu khoảng 30 tấn mì gạo sang Nhật Bản. Đồng thời tiếp tục đàm phán với các đối tác để xuất khẩu mì gạo sang thị trường Nga.
Hiện nay, HTX mì gạo Hùng Lô sản xuất và tiêu thụ khoảng hơn 500 tấn mì gạo/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Cao Ngọc Tuấn (lao động làm việc tại HTX mì gạo Hùng Lô) bộc bạch: "Lúc mới được nhận vào làm việc, tôi được hướng dẫn, đào tạo quy trình làm mì tỉ mỉ. Ở đây, làm mì với dây chuyền máy móc hiện đại đã giúp cho người lao động nông thôn như tôi khá nhàn nhã, không còn mất nhiều sức trong khi thu nhập lại cao hơn hẳn. Nhiều lao động trước làm thuê cho cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, vừa vất vả, lương bấp bênh, cuộc sống nghèo khó. Nay họ làm việc ở HTX với mức thu nhập ổn định, không còn cảnh túng thiếu đeo bám".
Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Bà Khuất Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại cho biết: Nhờ số vốn vay 500 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, HTX đã xây dựng được cửa hàng giới thiệu sản phẩm, lắp đặt dây chuyền máy liên hoàn chế biến gạo chất lượng cao Vĩnh Lại, từ đó tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo J02 của Vĩnh Lại đến các địa phương lân cận.
Nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giúp HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại mua máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất lúa, mang lại giá trị kinh tế cao. |
Với diện tích lúa hơn 446ha, HTX tổ chức và bố trí 10 máy gặt đập liên hợp, thu hoạch trong khoảng 10 ngày. Sản lượng thu hoạch ước tính khoảng 2.800 tấn lúa, chủ yếu là lúa J02.
Bà Khuất Thị Ánh Tuyết cho biết, HTX tổ chức thu hoạch bằng gặt đập liên hợp đã tiết kiệm chi phí trên 1 tỷ đồng cho thành viên HTX và bà con nông dân, đồng thời rút ngắn thời gian thu hoạch. Điều này góp phần gia tăng nguồn lực sản xuất của HTX, tăng doanh thu, thành viên và người lao động có thu nhập ổn định.
Năm 2022 HTX có doanh thu đạt 25,2 tỷ đồng với thu nhập đạt 1,4 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2021. HTX có hơn 2.400 thành viên và có 10 loại hình dịch vụ, thu nhập bình quân của người lao động 6 triệu/người/tháng.
Cũng nhờ nguồn vốn mồi từ Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Phú Thọ, năm 2018 HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh (ngành nghề trồng sen, thả cá) đã vay được 250 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ HTX để mở rộng dự án “Trồng sen - Thả cá”. Với việc đầu tư, mở rộng quy mô trồng sen từ 7ha ban đầu lên 32ha sang các vùng lân cận để tăng sản lượng, từ đó tăng doanh thu, thu nhập cho thành viên và người lao động. Hiện nay, HTX có doanh thu đạt trên một tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Tăng nguồn lực cho kinh tế tập thể
Theo Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ, sau khi được hỗ trợ vay vốn doanh thu của các HTX, THT tăng trung bình trên 20%, lợi nhuận tăng bình quân là 4,5% tổng nhu cầu vốn vay, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 30% lao động với mức thu nhập tăng trên 10%, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng trên 1.150 thành viên và người lao động.
Đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX có vốn điều lệ 20,423 tỷ đồng; đã cho 523 dự án vay vốn, với tổng doanh số cho vay là 110,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu để phát triển các ngành nghề như: Trồng trọt; sản xuất kinh doanh chè, bưởi; chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Trong đó, tổng nguồn vốn cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 85%.
“Nhìn chung, các đơn vị đều sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh... Một số HTX có doanh thu tăng cao điển hình như: HTX mì gạo Hùng Lô, HTX dịch vụ nông nghiệp & điện năng Vĩnh Lại, HTX Thanh long ruột đỏ Yên Kiện; HTX SX Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp; mô hình trồng và sản xuất kinh doanh bưởi của HTX công nghệ cao Đoan Hùng...”, bà Tuyết cho hay.
Để đảm bảo các HTX, THT sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ đã thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng vốn ở các HTX, THT được vay. “Qua kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau giải ngân cho thấy, các đơn vị đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả gốc, lãi đúng quy định góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Phạm Thị Tuyết cho hay.
Có thể thấy, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và xã hội, giúp cho các HTX, THT trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
"Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả và vai trò trợ giúp các HTX, THT... Quỹ hỗ trợ phát triển HTX sẽ tiếp tục tham mưu chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định số 45 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để thực sự là kênh tín dụng hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể", bà Tuyết nói.
Hoàng Hà