HTX Tín Nhiệm đang tập trung chăn nuôi lợn an toàn và hữu cơ nhằm cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị ở trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng chuỗi khép kín
Thành lập từ năm 2016, HTX Tín Nhiệm đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mỗi năm nuôi 3.000 con lợn theo quy trình an toàn và hữu cơ.
Lợn được chăn nuôi bằng 100% thức ăn tự nhiên như cám ngô, cám gạo, rau màu, bỗng rượu… trong vòng 6 tháng và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Trước khi lợn xuất chuồng đều trải qua những đợt kiểm tra nghiêm ngặt xem có tồn dư hóa chất, chất kháng sinh trong thực phẩm hay không.
Để nâng cao chất lượng, HTX áp dụng quy trình giết mổ hiện đại theo nguyên tắc một chiều từ khu bẩn đến khu sạch. Trước khi đưa vào giết mổ, lợn được tắm rửa sạch sẽ; lợn sau khi giết mổ được xịt rửa sạch, móc lên giá; nhân viên thú y kiểm tra kỹ trước khi lăn dấu. Sau khi pha lóc, thực phẩm sẽ được đóng gói, bảo quản lạnh nhằm giữ nguyên độ tươi ngon.
Bảo đảm an toàn vệ sinh từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ là cách giúp HTX Tín Nhiệm khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường. |
HTX cũng đầu tư xe chuyên dụng vận chuyển thực phẩm đến các cửa hàng, siêu thị ở trong và ngoài tỉnh. Theo Ban giám đốc HTX, ngoài hệ thống siêu thị ở Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, HTX còn chủ động xây dựng cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch để tiếp cận khách hàng. Ngoài thịt lợn sạch, HTX còn chế biến các loại giò, xúc xích, dăm bông, ruốc…
Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX cho biết, cái lợi lớn nhất khi sản xuất theo chuỗi giá trị là các thành viên HTX được hướng dẫn từ khâu thiết kế chuồng trại, lựa chọn con giống, vệ sinh khử trùng tiêu độc, quản lý chất thải, ghi chép sổ tay để truy nguyên nguồn gốc. HTX cũng đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi đến từng trang trại và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên nhằm giúp các hộ giảm chi phí, từ đó nâng cao lợi nhuận.
Đặc biệt, trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi, do đặc thù của chuồng trại, cách phòng dịch và công thức chăn nuôi theo phương pháp an toàn nên HTX vẫn có những đàn lợn khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng tại các cửa hàng và siêu thị theo hợp đồng đã ký kết.
Chủ động vượt khó
Tuy đã xây dựng được nền tảng vững chắc để vươn ra thị trường nhưng theo Ban giám đốc HTX Tín Nhiệm, HTX cũng giống như không ít HTX, doanh nghiệp khác đã bị thu hẹp thị trường đầu ra khi đối tác cắt giảm đơn hàng, sức tiêu thụ chậm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Lưu Văn Nhiệm cho biết, nếu như trước đây, mỗi ngày, HTX cung cấp 3 tấn lợn thương phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 10-15 nghìn đồng/kg theo hợp đồng, thì gần đây sản lượng đầu ra đã giảm vì các siêu thị, nhà hàng, khách sạn đều nhập hàng dè dặt.
Trước tình hình đó, HTX phải tìm hướng khác cho việc tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung vào cung cấp bán buôn, bán lẻ tại hệ thống các chợ truyền thống, đi liền với mở các quầy hàng lưu động. Ngoài ra, HTX thực hiện bán hàng theo hình thức online thông qua trang facebook cá nhân của thành viên, phát triển chương trình “Nội trợ qua Online" giao hàng tận nơi cho khách.
Tuy khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng việc đưa hàng vào siêu thị vẫn được HTX Tín Nhiệm duy trì. |
HTX cũng vẫn coi trọng phương thức kết nối trực tiếp. Tiêu biểu là dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thời gian gần đây, Ban giám đốc đã ký được hợp đồng tiêu thụ với một số cửa hàng và siêu thị ở Vĩnh Phúc…
Có thể thấy, nền tảng từ việc đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm quy trình từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ đã giúp HTX Tín Nhiệm hạn chế được được những khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Ngoài những cố gắng tự thân của HTX vượt qua khó khăn, Giám đốc Lưu Văn Nhiệm cũng mong muốn các cấp ngành phát triển thêm điểm trưng bày tập trung sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng để các sản phẩm của các HTX gần gũi hơn với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho HTX tiếp cận, vay vốn ưu đãi để khắc phục khó khăn, nộp bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện… Có như vậy, HTX mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Tùng Lâm