Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, thị xã Phổ Yên đã quy hoạch xây dựng thành công 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại xã Phúc Thuận với tổng diện tích trên 700 ha.
Hiệu quả gia tăng
Đại diện UBND xã Phúc Thuận cho hay, 4 vùng sản xuất tập trung của địa phương hiện tại gồm 1 vùng sản xuất cây ăn quả thuộc các xóm Khe Đù, Khe Lánh, Quân Xóm và Hang Dơi, tổng diện tích 600 ha; 2 vùng sản xuất chè ở xóm 6 và 7 (mỗi vùng 50 ha); vùng chăn nuôi tại xóm Đèo Nứa, diện tích trên 30 ha.
Cây ăn quả đang cho giá trị sản xuất hàng trăm triệu đồng ha/năm ở Phúc Thuận (Ảnh TL). |
Các vùng sản xuất tập trung với sự đầu tư mạnh mẽ về khoa học – kỹ thuật đang mang lại hiệu quả vượt trội. Đơn cử, mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP, hữu cơ đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời, với giá trị bình quân trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hoàng Văn Tuấn, thành viên Tổ hợp tác xã Phúc Thuận cho hay, gia đình ông phát triển mô hình trồng cây ăn quả từ năm 2008, với nhãn là cây trồng chủ lực. Hiện, gần 2 ha trồng cây vẫn phát triển ổn định, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo giá trị lâu dài, ông cùng các hộ trồng cây của Tổ hợp tác đã chủ động phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Đơn cử, trong quá trình canh tác, các hộ tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, thay vào đó là các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường.
Các hộ cũng được tham gia nhiều khóa tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, từ đó nắm vững quy trình sản xuất hữu cơ, biết cách sử dụng thiên địch để tiêu diệt côn trùng gây hại, áp dụng phương thức phòng trừ dịch hại IPM.
“Việc áp dụng sản xuất hữu cơ giúp chúng tôi giảm 20 - 35% chi phí đầu vào, đặc biệt là các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cũng giúp thị trường và giá bán ổn định hơn”, ông Tuấn hồ hởi nói.
Xây dựng thương hiệu
Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đang giúp người dân trên địa bàn xã Phúc Thuận được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất, giá trị cây trồng và tăng thu nhập.
Xã sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương (Ảnh TL). |
Đồng thời, những thành công đang có cũng giúp xã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành mô hình liên kết giữa HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa.
Điển hình, với diện tích chè lớn nhất trên địa bàn thị xã Phổ Yên, xã Phúc Thuận đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, xã đã thành lập được 11 tổ hợp tác và 2 HTX hoạt động có hiệu quả.
Khi hoạt động sản xuất đang dần được hoàn thiện, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp xã Phúc Thuận sẽ chuyển hướng đầu tư mạnh hơn cho việc xây dựng thương hiệu, hình thành các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh đặc trưng.
Theo đó, xã sẽ tích cực hỗ trợ, khuyến khích các HTX, hộ sản xuất hoàn thiện hệ thống đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc… để tăng tính nhận diện; hoàn thành thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè, cây ăn quả.
Xã cũng sẽ tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm về nông nghiệp để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mặt hàng chủ lực, tiếp cận với các đối tác tiêu thụ…
Hưng Nguyên