HTX công nghiệp cổ phần Mai Hồng, thị trấn Phú Thái, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ gia dụng và công nghiệp, mỹ nghệ… đang là một trong những đơn vị điển hình trong đào nghề nông thôn huyện Kim Thành, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương
Đến nay, HTX Mai Hồng đã đào tạo được 15 lao động có tay nghề giỏi. Nhiều lao động sau vài năm được đào tạo vững tay nghề ở HTX đã mở cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh riêng và có những thành công đáng kể.
Các HTX góp phần dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động khuyết tật (Ảnh TL). |
Ông Trần Văn Thụ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết những năm qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.
Trong quá trình hoạt động, HTX luôn đặt ra phương châm phải yêu nghề, gần gũi với thành viên, người lao động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với công việc của mình.
HTX cũng nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các khâu dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, để thành viên trực tiếp giám sát mọi hoạt động của HTX, nhất là những giai đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất.
Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 110 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa bán chậm, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cũng khó khăn, nên HTX chỉ có 5 lao động, doanh thu giảm hơn so với những năm trước.
Theo lãnh đạo địa phương, thời gian qua, dù phải đối diện với không ít thách thức, song HTX Mai Hồng luôn là điểm sáng trong công công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trong và ngoài địa phương.
HTX đã phát huy tốt nội lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có về ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các thành viên, hộ dân tại địa phương.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường
Cùng với hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn huyện Kim Thành cũng có những chuyển biến tích cực ở nhiều mặt. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của huyện đã tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Kim Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh dạy nghề nông thôn theo phương thức "cầm tay chỉ việc" (Ảnh TL). |
Ngoài các nghề nông nghiệp công nghệ cao, các nghề phi nông nghiệp như thêu ren, may công nghiệp, hoặc dạy nghề sửa chữa xe máy… cũng được huyện chú trọng lựa chọn để mở các lớp đào tạo và được lao động địa phương đón nhận tích cực.
Ông Nguyễn Văn Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, cho hay công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Vì vậy, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh, huyện quan tâm triển khai. Các địa phương ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi như: người có công với cách mạng, hộ nghèo, người tàn tật…
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các HTX, doanh nghiệp, để nhân rộng mô hình đào tạo.
Huyện cũng sẽ tư vấn, hỗ trợ các đơn vị đào tạo chủ động dạy nghề gắn với nhu cầu của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới.
Song song với triển khai dạy nghề nông nghiệp, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh dạy các ngành nghề dịch vụ phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nhật Minh