Theo đó trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo... phải lắp camera. Nếu không hoàn thành, tùy vào vi phạm, mức phạt sẽ là 1-2 triệu đồng đối với lái xe và từ 5-12 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.
Chi phí tốn kém
Là một trong những HTX vận tải lớn trên cả nước, HTX vận tải Nhơn Trạch đang có gần 6.000 đầu xe từ 4 chỗ đến 52 chỗ ngồi, xe container, xe tải với hơn 4.000 thành viên tham gia. Tuy nhiên, ông Phan Huy Sự, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết phí lắp một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá khoảng 5-6 triệu đồng, trong khi thời hạn quy định bắt đầu từ năm 2020 nên HTX chưa thể hoàn thiện lắp camera cho các loại xe theo đúng thời gian yêu cầu của cơ quan chức năng.
“Ngoài chi phí lắp đặt ban đầu lên đến hàng tỷ đồng, HTX còn phải bỏ chi phí duy trì hàng tháng là khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/xe, trong khi thời hạn đã cận kề nên rất khó chấp hành theo yêu cầu của Nghị định”, ông Phan Huy Sự cho biết.
Cùng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiêm Giám đốc HTX Vận tải ô tô số 9 TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc lắp camera đang gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và HTX.
Theo phân tích của ông Dinh, xe từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống xe). Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định, khi lắp camera phải bảo đảm quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống xe. Để bảo đảm được các yêu cầu này, mỗi xe phải lắp ít nhất 2 camera.
“Nếu gắn 2 camera, bình ắc quy chỉ sử dụng được trong thời gian hơn 3 giờ đồng hồ, trong khi xe khách, xe tải đều là xe đường dài, việc ắc quy không đủ dùng sẽ gây rất nhiều bất tiện”, ông Dinh cho biết.
Để bảo đảm theo yêu cầu, ít nhất mỗi xe chở khách phải lắp từ hai camera trở lên. |
Tốn kém là một vấn đề, hiện hầu hết các HTX còn lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ trên xe. Bởi Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị vận tải phải tháo các thiết bị lắp thêm như tivi và các thiết bị khác để ngăn ngừa nguy cơ cháy xe.
Tuy nhiên, với quy định bắt buộc phải lắp camera, đối với xe khách đóng mới còn có thể rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện, nhưng với xe cũ, có thời gian sử dụng từ 10 năm thì vấn đề an toàn cháy nổ cũng chưa được tính đến. Trong khi có rất nhiều xe khách trên 30 chỗ phải lắp 3-4 camera thì nguy cơ cháy nổ càng cao.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2020 đến nay, các HTX vận tải đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh gặp không ít khó khăn, các đầu xe chủ yếu đắp chiếu hoặc hoạt động cầm chừng nên việc lắp camera trong thời gian này là điều vô cùng tốn kém.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và của Liên minh HTX Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX vận tải. Đến nay, cả nước có 1.168 HTX vận tải (đường bộ có 949 HTX, hàng hải có 7 HTX, đường thủy nội địa có 212 HTX). Thế nhưng dịch Covid-19 đã khiến 95,5% các HTX này bị ảnh hưởng.
Tiêu biểu như HTX Cùng Kinh Doanh (Đà Nẵng) hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch. Giám đốc HTX, bà Trần Thu Hiền, cho biết dịch Covid-19 đã khiến HTX có những tháng hoàn toàn không có doanh thu vì ngừng hoạt động trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp. Từ đó, việc bảo đảm đời sống cho thành viên đã khó, việc đầu tư thêm chi phí để lắp camera càng khó hơn.
Có rơi vào tê liệt?
Theo các chuyên gia, việc lắp camera cho xe khách và xe container là định hướng phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải, giúp nâng cao sự an toàn đối với hành khách.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, bên cạnh việc ban hành quy chuẩn thiết bị, Bộ Giao thông Vận tải cần có hướng dẫn cụ thể và các quy định phải phù hợp với tình hình thực tiễn thì mới đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, khách hàng và đơn vị đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải.
Nêu ý kiến về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét một cách thấu đáo nhằm tránh tình trạng phí chồng phí. Bởi, có một thực tế đang xảy ra, đó là sau gần 3 năm các cấp ngành yêu cầu lắp đặt thiết bị GPS, hiện có khoảng 50% thiết bị trên xe khách không hoạt động.
“Đây là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá và xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ giám sát bằng camera trên các xe kinh doanh vận tải”, ông Quyền kiến nghị.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp, HTX nào thực hiện lắp camera theo Nghị định 10/CP/2020, đa phần đều kiến nghị lùi thời gian, hoặc sửa đổi do nhiều bất cập, như tốn kém không nhỏ, việc lưu trữ và khai thác dữ liệu không dễ…
Xe khách "vắng khách" là tình trạng chung của các doanh nghiệp, HTX vận tải trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra. |
Trước thực tế trên, ông Đinh Nam Dinh, cho biết các cấp ngành liên quan cần khảo sát, đánh giá thực tiễn hoặc tổ chức các hội thảo, tọa đàm để phân tích cụ thể những ưu, nhược điểm của Nghị định cũng như giúp các ngành chức năng nắm bắt được những khó khăn thực tại của các HTX. “Bởi nếu Nghị định đưa ra mà không hoặc chưa phù hợp thì rất khó đi vào thực tiễn, thậm chí là rơi vào tình trạng tê liệt”, ông Dinh nhấn Mạnh.
Nguyện vọng của hầu hết các HTX là Bộ Giao thông vận tải cần xem xét việc yêu cầu hoàn thiện việc lắp camera trước ngày 1/7 một cách kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện thực tế của các HTX. Bởi, việc phải bỏ ra chi phí từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để lắp camera trên toàn bộ các xe là quá sức chịu đựng của các HTX. Đây là số kinh phí rất lớn với HTX trong bối cảnh đang phải chống chọi với hậu quả do Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó vẫn còn không ít câu hỏi bỏ ngỏ liên quan đến vấn đề này khiến các HTX chưa thể xúc tiến việc lắp camera cho xe chở khách từ 9 chỗ trở lên và xe container như quy định. Theo các chuyên gia, để giải quyết được những khó khăn hiện hữu, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Huyền Trang