Sau 5 năm 2016 - 2020 triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tiền Giang đã có 97/143 xã đạt chuẩn (tăng thêm 85 xã so với năm 2015), hoàn thành mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn.
Xác định "đích đến" rõ ràng
Xây dựng nông thôn mới những năm qua đã trở thành phong trào sâu rộng khắp tỉnh, được nhân dân tích cực tham gia, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới từng bước được xác lập, góp phần đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí tại địa phương.
Tiền Giang đặt mục tiêu có 2 huyện hoàn thành nông thôn mới trong năm 2020. |
Trong xây dựng nông thôn mới, Tiền Giang có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của cả nước cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn chỉ chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của vùng ÐBSCL, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%.
Tuy nhiên, chỉ trong 5 năm, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Ðến đầu năm 2020, tỷ lệ số xã đạt chuẩn của tỉnh đã cao hơn tỷ lệ bình quân chung của vùng ÐBSCL và bằng tỷ lệ bình quân chung của cả nước.
Với những thành công đạt được, năm 2020, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Gò Công Đông và huyện Chợ Gạo.
Huyện Gò Công Đông hiện đã có 8/11 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, còn lại 3 xã Kiểng Phước, Phước Trung và Gia Thuận đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và đang hoàn chỉnh các hồ sơ trình tỉnh thẩm định, công nhận.
Riêng đối với các tiêu chí huyện nông thôn mới, Gò Công Đông đã đạt 6/9 tiêu chí theo quy định, còn lại 3 tiêu chí (Quy hoạch, Giao thông và Y tế - Văn hóa - Giáo dục), dự kiến sẽ hoàn thành sớm trong thời gian tới.
Huyện thứ hai là Chợ Gạo cũng đang làm rất tốt nhiệm vụ, với 18/18 xã (100%) đã được công nhận nông thôn mới. Riêng đối với các tiêu chí huyện nông thôn mới, hiện đã đạt 6/9 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí tương tự như huyện Gò Công Đông dự kiến sẽ hoàn thành trong đầu quý III/2020.
Xây dựng các mô hình liên kết
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, song song với việc hỗ trợ kết cấu hạ tầng, tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, trọng tâm là các HTX nhằm tìm đầu ra, ổn định sản xuất.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là một trong những nhân tố quyết định để tỉnh Tiền Giang hoàn thành mục tiêu. |
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, các địa phương cần thúc đẩy đổi mới phương thức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ để hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, tránh để nông dân gặp phải tình cảnh “trúng mùa mất giá” như lâu nay.
Thông qua việc liên kết mới có điều kiện để hỗ trợ các HTX "sống khỏe", đáp ứng yêu cầu của tiêu chí sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Thực tế, trong thời gian qua, tỉnh đã vận dụng tốt các chính sách của Trung ương, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai hỗ trợ phát triển HTX. Theo đó, nhiều HTX nông nghiệp đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư trụ sở làm việc, nhà sơ chế… phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điển hình, năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà kho cho HTX Thanh long Mỹ Tịnh An với diện tích 1.000 m2, kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng. Hiện, HTX đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đang vào giai đoạn lắp đặt một số thiết bị kho lạnh, đưa vào vận hành hệ thống rửa trái thanh long.
Huyện Gò Công Tây cũng có 3 HTX nông nghiệp được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm 2019, gồm HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới, HTX Rau an toàn Hòa Thạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân), HTX đã hoàn thành việc xây dựng nhà sơ chế với diện tích hơn 320 m2. Nhà sơ chế được xây dựng với kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 960 triệu đồng.
Hưng Nguyên