Điển hình, thời gian qua, các địa phương huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh thực hiện trồng nhiều giống dược liệu có giá trị kinh tế cao, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, đồng thời giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số có hướng đi mới, thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Thúc đẩy nông sản chủ lực
Theo UBND huyện Quản Bạ, kể từ năm 2019 đến nay, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng. Chương trình phát triển dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với trên 5.000 lao động, hơn 70% trong số đó là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
HTX dịch vụ tổng hợp Đình Quang (xã Cao Mã Pờ) là một trong những đầu tàu trong quá trình phát huy hiệu quả cây trồng thế mạnh chủ lực tại địa phương, khi vừa phát triển sản xuất, vừa liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo Ban giám đốc HTX Đình Quang, trên địa bàn xã gieo trồng được trên 30ha cây ấu tẩu, với 290 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, tập trung ở các thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn, Thèn Ván...
Ấu tẩu được HTX đứng ra thu mua, sau đó bán cho doanh nghiệp, nên các hộ sản xuất có thể yên tâm mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ cây ấu tẩu.
Ông Vàng Pà Dèn, dân tộc Mông, thôn Vàng Chá Phìn chia sẻ, những năm trước đây, giá ấu tẩu chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng/kg. Giá không ổn định, người dân trong thôn hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao.
Tuy nhiên, từ khi HTX đi vào hoạt động, ấu tẩu được bán với giá 50 - 100 nghìn đồng/kg. Người dân không phải lo chuyện đầu ra. “Với 0,2ha ấu tẩu, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 50 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí”, ông Dèn cho hay.
Việc phát huy tốt các thế mạnh tại địa phương sẽ tạo điều kiện để quá trình xóa đói, giảm nghèo được đẩy nhanh hơn. |
Tương tự, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị gia tăng, huyện đã chủ động phát huy các sản phẩm thế mạnh đặc trưng, với điểm tựa từ các HTX, tổ hợp tác.
Cụ thể, những năm qua, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Lục Nam đã phát triển thành công nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có hơn 30 loại nông sản thế mạnh, nhiều thương hiệu đã trở thành đặc sản gắn liền với địa danh vùng đất “sông Lục, núi Huyền” và ngày càng lan tỏa mạnh như Na Lục Nam, dứa Bảo Sơn, khoai sọ Khám Lạng…
Một trong những điển hình trong sản xuất là HTX Na dai Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương). Nhờ được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, có tem nhãn, mã truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX và các hộ sản xuất na trên địa bàn không còn “áo gấm đi đêm”, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tin dùng.
Theo thống kê, tại xã Nghĩa Phương hiện có hơn 400 ha na dai, nhiều hộ dân có thu nhập từ 150 đến 500 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thành lập HTX và sản phẩm được chứng nhận VietGAP là điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp na dai Nghĩa Phương vươn xa.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Cũng ở Lục Nam, những năm qua, huyện đã phát huy rất tốt tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa để xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Lục Nam có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, tạo nên thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng thu hút được đông đảo du khách biết đến như suối Mỡ xã Nghĩa Phương, suối Nước Vàng xã Lục Sơn, hồ Suối Nứa xã Đông Hưng, vực Rêu xã Cẩm Lý… Môi trường sinh thái và văn hóa bản địa là hai điều kiện cơ bản tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đất “sông Lục, núi Huyền”.
Đại diện UBND huyện cho biết, xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng cần tập trung cho phát triển du lịch trong Kế hoạch số 154/KH-UBND của UBND huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào hoàn thành xây dựng Đề án hình thành “Con đường Hoằng Dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” và quy hoạch, phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Huyền Đinh.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 1 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 700 lao động, trong đó ít nhất 30% là người dân tộc thiểu số. Đến năm 2030 khách du lịch của huyện đạt khoảng 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.000 lao động, ít nhất 50% là người dân tộc thiểu số.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy để giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực, các địa phương cần đẩy mạnh phát huy những thế mạnh, nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Để làm tốt điều này, các địa phương cần có sự phối hợp để phát triển các mô hình sản xuất, tạo cơ sở hạ tầng, quan tâm trực tiếp đến nhu cầu của từng hộ nghèo, gắn liền với các sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước giảm nghèo bền vững.
Chính quyền địa phương cần nhận diện một cách toàn diện, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân để có những giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ. Chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, sản xuất, chăn nuôi bền vững theo hướng chuỗi giá trị.
Lệ Chi