Năm 2019, Cần Thơ đầu tư hơn 12 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề |
Giai đoạn 2017-2020, Cần Thơ đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 29.500 người, trong đó, có 3.500 người học nghề nông nghiệp, 26.000 người học nghề phi nông nghiệp, phấn đấu tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 80%. Đặc biệt, người lao động thuộc diện nghèo, dân tộc thiểu số,… được đặc biệt quan tâm.
Đẩy mạnh nguồn lực
Trong lộ trình thực hiện, năm 2019, Cần Thơ dự kiến đầu tư hơn 12 tỷ đồng để đào tạo nghề cho hơn 5.500 lao động nông thôn, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho gần 3.200 người.
Ông Châu Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Cần Thơ, cho biết: “Kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2019 được xây dựng theo nhu cầu học nghề, việc làm của lao động”.
Các quận, huyện đăng ký mở các lớp nghề trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, thành phố cũng đang tập trung xây dựng mô hình về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao, đem lại giá trị bền vững sẽ được đầu tư mạnh. Đặc biệt, thành phố sẽ đặt hàng dạy nghề cho hơn 2.400 lao động thuộc diện nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác khó khăn về kinh tế.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, người lao động sẽ được đào tạo nâng cao trình độ, năng lực, để đáp ứng yêu cầu của các HTX, cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ, tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề giai đoạn 2017 – 2020 sẽ vào khoảng 112,87 tỷ đồng, gồm kinh phí trung ương, địa phương và huy động nguồn khác.
Bên cạnh dạy nghề, công tác giới thiệu việc làm sau đào tạo cũng sẽ được quan tâm |
Hỗ trợ sau đào tạo
Những nguồn lực đầu tư lớn, đồng bộ cho công tác đào tạo nghề tại Cần Thơ không chỉ để nâng cao trình độ, mà còn hướng tới giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn sau khi học nghề.
Kể từ năm 2017, Cần Thơ đã huy động nhiều thành phần xã hội tham gia dạy nghề, tăng cường kết nối, tiến tới hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.
Các đoàn thể địa phương cũng đã và đang tích cực hỗ trợ lao động nông thôn vay vốn trong các chương trình cho vay giải quyết việc làm, để mở rộng sản xuất, kinh doanh từ nghề được học.
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho hay: “Bên cạnh khu vực doanh nghiệp, sự tham gia của các HTX cũng đặc biệt quan trọng trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Đến năm 2020, Cần Thơ đặt mục tiêu có 180 HTX nông nghiệp có hiệu quả”.
Thực tế cho thấy, các HTX không chỉ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề mà còn là địa chỉ đáng tin cậy cho lực lượng lao động làm việc, phát triển sản xuất sau khi tốt nghiệp các khóa dạy nghề.
Đơn cử, HTX thủy sản Thuận Thiên (Giai Xuân, Phong Điền) đang là đơn vị điển hình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Sau gần 5 năm phát triển, HTX Thuận Thiên đang trở thành điểm tựa vững chắc cho 7 hộ thành viên, hàng chục lao động địa phương, với 9 trại ươm giống quy mô lớn, đồng thời là đơn vị liên kết và hỗ trợ sản xuất cho nhiều trang trại, hộ gia đình nuôi lươn trong và ngoài tỉnh.
Sáu Ngạn