Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Kể từ năm 2010, toàn huyện đã đào tạo nghề cho hơn 5.400 lao động nông thôn (LĐNT), với hơn 4.500 người được hỗ trợ chi phí học nghề (tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng). Nhờ dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường, 90% lao động học nghề của huyện có việc làm sau đào tạo”.
Đa dạng ngành nghề
Dạy nghề sửa chữa máy nông ngư cơ đang là hoạt động nổi bật nhất tại Vạn Ninh. Qua hơn 1 năm đẩy mạnh triển khai, huyện đã đào tạo nghề cho hơn 200 ngư dân. Xuất phát từ xã Vạn Thanh, nghề sửa chữa máy đang lan tỏa mạnh đến các xã Điệp Sơn, Khải Lương, Ninh Đảo…
Ông Huỳnh Văn Tài (thôn Ninh Tân) chia sẻ: “Được dạy nghề, chúng tôi yên tâm vươn khơi, tự tin xử lý khi phát sinh sự cố, bảo đảm an toàn trên biển. Khi máy hỏng có thể tự sửa chữa, giúp tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc”.
Ngoài được dạy nghề, các học viên còn được hỗ trợ chi phí trong 3 tháng học với mức hơn 30.000 đồng/ người/ngày. Quan trọng hơn, người dân các thôn đảo đang được học nghề đúng với mong ước, từ đó, tạo bước đệm mang lại thành công trong công việc.
Nghề chế biến trầm cũng đang được quan tâm tại Vạn Ninh. Để xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả, tạo việc làm cho người dân, xã Vạn Thắng đã thành lập HTX, với 7 hộ thành viên.
Với mục tiêu phát triển làng nghề soi trầm Vạn Thắng, HTX trở thành đơn vị đại diện đứng ra thu mua nguyên liệu (dó trầm), giao dịch hợp đồng mua bán các sản phẩm chế tác từ cây dó trầm, đại diện tiếp nhận các chính sách của Nhà nước về khuyến công…
Bên cạnh đó, nghề trồng tỏi dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn vẫn cho thấy những kết quả tích cực. HTX sản xuất tỏi Vạn Hưng (xã Vạn Hưng) đang là đơn vị đi đầu trong dạy nghề, tạo việc làm cho người trồng tỏi tại địa phương.
Nhiều mô hình kinh tế điểm đã ra đời sau các lớp dạy nghề tại Vạn Ninh |
Hiệu quả thiết thực
Ông Cao Như Hoàng - Giám đốc HTX Vạn Hưng, cho biết: “Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, việc sản xuất tỏi theo chuẩn VietGAP của người dân đã hoàn toàn thay đổi. Các hộ sản xuất chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, ghi chép hồ sơ, nhật ký sản xuất đầy đủ…”.
Công tác dạy nghề hiệu quả giúp năng lực sản xuất của người dân được nâng lên, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình như với tỏi, nhờ tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm có nguồn gốc từ thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh đã thành công tiến vào một số siêu thị trên địa bàn, như Co.opmart Nha Trang, Big C... Trồng tỏi theo quy trình VietGAP còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, môi trường.
Không chỉ có nghề trồng tỏi, từ những lớp học nghề, huyện Vạn Ninh đã hình thành nhiều mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả kinh tế vượt trội, tiêu biểu như mô hình trồng nấm, nghề đan lát mây - tre - lá; nghề nấu ăn, nghề xây dựng…
Sau học nghề, nhiều người không những tự tạo được việc làm, mà còn tạo việc làm cho người khác. Điển hình như bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (thôn Quảng Hội 2, xã Vạn Thắng), sau khi học nghề nấu ăn đã mở dịch vụ nấu ăn tiệc cưới, tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập hơn 5 triệu đồng/ người/tháng.
Sau khi học nghề chế biến thủy sản, bà Phạm Thị Thuận (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú) đã mở cơ sở làm chả cá, tạo việc làm cho hơn 70 lao động với thu nhập hơn 4 triệu đồng/ người/tháng.
Bà Trần Thị Mỹ Duyên (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương) học nghề kỹ thuật đan lát mây - tre - lá đã mở được cơ sở sản xuất tại nhà, tạo việc làm thêm cho khoảng 20 lao động, thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng...
“Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đem lại hiệu quả rõ nét. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực, đầu tư mạnh hơn cho công tác dạy nghề, nâng cao trình độ, tạo việc làm cho lực lượng LĐNT, đặc biệt là các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Trần Ngọc Khiêm, khẳng định.
Sáu Ngạn