8 tháng đầu năm 2022, huyện Thiệu Hóa có 6 xã hoàn thành hồ sơ trình thẩm tra xã đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao; 1 xã và 21 thôn đang xây dựng hồ sơ xã NTM kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu theo tiêu chí mới; có thêm 7 sản phẩm được công nhận OCOP nâng tổng số toàn huyện được công nhận là 10 sản phẩm…
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, Thiệu Hóa đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị có liên quan hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các phong trào hiến đất, mở đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn, xây dựng tường rào mẫu... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Thiệu Hóa. |
Đi đôi với đó, huyện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện và duy trì các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình chuyển từ trồng lúa sang trồng màu (2 vụ ớt - 1 vụ ngô ngọt) tại các xã Thiệu Ngọc, Thiệu Thành, Minh Tâm; mô hình cây ăn quả tập trung tại các xã Minh Tâm, Thiệu Vũ, Thiệu Lý, Thiệu Duy, Tân Châu, Thiệu Trung...; mô hình chăn nuôi thỏ của trang trại Trường Thành, xã Tân Châu; mô hình ngô sinh khối tập trung tại các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp, với quy mô hơn 100 ha; duy trì và phát triển mô hình sản xuất rau an toàn tập trung quy mô 36 ha và 6,608 ha nhà màng.
Đáng chú ý, với diện tích tích tụ, tập trung trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, đã có nhiều mô hình thành công do có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN), HTX và người nông dân trong việc cung ứng giống, vật tư phân bón, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Thiệu Hóa, hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn đạt trung bình khoảng từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Các doanh nghiệp trực tiếp liên kết với các HTX và nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt.
Điển hình, nhờ tích cực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất nên HTX nông nghiệp Thiệu Hưng (thị trấn Thiệu Hóa) đã luôn duy trì hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, làm tốt vai trò "bà đỡ" cho người dân tại địa phương trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Đặc biệt, HTX nông nghiệp Thiệu Hưng với sản phẩm thế mạnh là dưa Kim hoàng hậu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel) đem lại những ưu thế vượt trội như tiết kiệm nước, giảm nhân công lao động, chi phí nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, HTX đã xây dựng được hàng chục nghìn m2 nhà màng để sản xuất dưa Kim hoàng hậu, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cũng tiếp tục được quan tâm phát triển, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 395 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 1.184 tấn/năm và giá trị sản xuất đạt 40,63 tỷ đồng/năm. Bước đầu đã xây dựng được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với diện tích 50 ha tại đồng Vước thuộc xã Thiệu Công và xã Thiệu Long; xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao như HTX nông nghiệp và thủy sản Minh Long liên kết nuôi thủy sản tại đồng Vước, HTX cá giống Minh Tâm sản xuất và tiêu thụ cá giống tại xã Minh Tâm.
Thông qua rà soát, toàn huyện đạt trung bình 15,8/19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là các chỉ tiêu thuộc tiêu chí văn hóa, giáo dục, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, chất lượng môi trường sống. Thôn NTM kiểu mẫu đã đạt 8/15 tiêu chí, những tiêu chí chưa đạt của các thôn tập trung ở 6 tiêu chí là phát triển kinh tế nông thôn, hộ nghèo đa chiều, y tế, văn hóa, môi trường, chất lượng môi trường sống, thu nhập của người dân.
Nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn giàu có
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, nông nghiệp ở Thiệu Hóa phải giữ vai trò là nền tảng, trụ đỡ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời là vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Vì vậy, huyện cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với công nghiệp chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Thu hút mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, “bà đỡ” để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và thị trường thông qua việc thành lập và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX.
“Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP, phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP, một sản phẩm OCOP có thể ở nhiều xã, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm”, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.
Huyện Thiệu Hóa phấn đấu năm 2022 đến đầu năm 2023 có xã Thiệu Trung đạt NTM kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm Thiệu Nguyên, Minh Tâm, Thiệu Viên, Thiệu Phú, Thiệu Long; 21 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có thêm 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, việc tăng cường công tác giao ban đánh giá hoạt động, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lộ trình cụ thể để xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và từng bước xác định các vùng sản xuất đối với cây trồng chủ lực để xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện chuyển đổi số đổi với sản phẩm chủ lực.
Hoàng Anh