Tiêu biểu như huyện Mê Linh đã và đang khai thác tối đa lợi thế vùng bãi ven sông Hồng để phát triển các vùng chuyên canh hoa, rau an toàn, cây ăn quả thay vì tập trung vào trồng lúa.
Những đột phá mới
Để nâng cao giá trị gia tăng, huyện đã huy động các nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất trong vùng chuyển đổi. Mê Linh cũng có chính sách hỗ trợ cho những vùng chuyển đổi và giúp người dân, HTX đầu tư phát triển sản xuất...
Tiêu biểu như mô hình ươm hoa giống của HTX Dịch vụ nông nghiệp Việt Doanh (Thanh Lâm, Mê Linh) được đầu tư trên diện tích 20ha.
Với giá bán trên thị trường dao động từ 50 - 350 đồng/cây giống, mô hình ươm mầm và cung ứng cây giống hoa cúc giúp HTX Việt Doanh thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, các vườn ươm của HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Ông Đỗ Việt Dũng, Giám đốc HTX Việt Doanh, cho biết đầu ra về các loại hoa tương đối thuận lợi nên HTX có thể cung ứng sản phẩm cho hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, HTX còn đang tính toán xuất khẩu mầm hoa cúc ra nước ngoài, trước mắt là Nhật Bản và Singapore.
Chuyển đất lúa sang trồng hoa là bước đi hiệu quả của huyện Mê Linh (Hà Nội) trong thời gian qua. |
Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Thanh Oai cũng tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như vùng chuyển đổi trồng cam Canh của xã Kim An với sự ra đời của HTX Kim An đang giúp người dân có thêm của ăn của để.
Hiện toàn xã có gần 100ha trồng cam Canh theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Thời gian qua, HTX Kim An đã cùng địa phương xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Cam đường Kim An - Thanh Oai", khẳng định nguồn gốc, chất lượng nông sản trên thị trường. Hằng năm, các hộ trồng cam cho thu nhập từ 400- 600 triệu đồng/ha. Theo người dân, nếu chỉ trồng rau, cấy lúa như trước thì chưa biết đến bao giờ họ mới có của ăn của để, có nhà cao cửa rộng. Và cây cam chính là cây giúp người dân làm giàu.
Không riêng Kim An, nhiều xã của huyện Thanh Oai đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể như huyện đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung cho hiệu quả cao gấp 4 đến 5 lần như: Mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Liên Châu 118ha, chăn nuôi tập trung ở xã Tân Ước 15ha…
Tránh trùng lặp nhờ nông sản đặc trưng
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đang giúp các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội khắc phục được những khó khăn về đất đai bạc màu, hiệu quả thấp và đưa ngành nông nghiệp thích ứng với thị trường.
Đặc biệt, các HTX là mắt xích quan trọng khi hỗ trợ người dân sản xuất nhỏ lẻ tập hợp lại trong một tổ chức kinh tế chung để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, giảm thiểu sự cạnh tranh và chèn ép của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
Đến nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong cơ cấu ngành nông nghiệp, là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế hàng hóa.
Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất ở các địa phương sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho thấy, thành phố vẫn chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô thực sự lớn.
Hầu hết các mô hình chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là dưới 5ha . Trong khi đó, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng Hà Nội nên tiếp tục phát huy vai trò của mô hình HTX để làm đầu tàu hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội nên định hướng tập trung vào nông sản đặc sản.
Nguyên nhân là vì Hà Nội có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: Cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, gà đồi, hoa, cây cảnh, bò BBB… Do đó mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản của mình để quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, có tính cạnh tranh cao sẽ phát huy được những lợi thế sẵn có.
Bên cạnh đó, việc giảm diện tích cây lương hay mở rộng diện tích bất kỳ cây-con nào cũng cần phải tính toán hợp lý về hiệu quả kinh tế và các vấn đề liên quan như môi trường, quy hoạch.... Song song đó, cần hỗ trợ các HTX, người dân quy hoạch vùng sản xuất dựa trên lợi thế, thế mạnh của từng địa phương.
Chẳng hạn như xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đang có thế mạnh về trồng nhãn chín muộn và đã xuất khẩu ra nước ngoài thì nên ưu tiên trồng nhãn. Còn xã Cấn Hữu (Quốc Oai) có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi thì nên tiếp tục đẩy mạnh nuôi lợn, gà… theo chuỗi giá trị. Hay như huyện Gia Lâm thời gian qua đã chuyển đổi từ lúa sang trồng hoa giấy phục vụ đô thị... rất hiệu quả. Chính vì vậy, cần tiếp tục phát triển mô hình này theo hướng hàng hóa bền vững.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp khi chú trọng vào sản phẩm đặc trưng của từng địa phương và hình thành được các vùng chuyên canh hàng hóa sẽ tránh tình trạng trùng lặp khiến cung vượt cầu, dễ dẫn đến hệ lụy được mùa rớt giá.
Minh Nhương