Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó, không ít HTX, cũng chịu nhiều rủi ro do thiên tai dịch, bệnh…
Bảo hiểm còn xa vời
Gần đây nhất, chịu ảnh hưởng của bão Noru, nhà kho chứa hơn 130 tấn thóc của HTX Phú Thanh (Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) bị gió bão giật phăng mái. Ngoài ra, mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 gây ra đã gây ngập úng toàn bộ diện tích rau màu trong nhà màng của HTX Phú Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An).
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Phú Thịnh, ước tính thiệt hại ban đầu là hơn 120 triệu đồng. Ngoài rau màu, toàn bộ máy móc, thiết bị, phân lân, hệ thống nhà màng ngâm trong nước, hư hỏng thiệt hại lên đến tiền tỷ.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân, HTX... Chính phủ đã có văn bản pháp luật về thực hiện bảo hiểm nông nghiệp từ năm 2011. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, đến nay việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp chưa được nhiều nông dân, HTX đón nhận.
Khảo sát của Hội Nông dân tại các địa phương đang triển khai mô hình bảo hiểm nông nghiệp như Hà Giang, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An cho thấy, gần 70% người dân, thành viên HTX chưa từng nghe đến bảo hiểm nông nghiệp; 20,5% hộ dân, thành viên HTX có biết đến nhưng chưa tham gia; chỉ có gần 9,5% người dân, thành viên HTX đang tham gia bảo hiểm nông nghiệp...
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Hội Nông dân Việt Nam cho biết, sau khi hết thời gian thí điểm, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên để đưa chính sách này vào thực tiễn còn gặp nhiều rào cản vì ngành sản xuất, cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm hiện đang bị giới hạn.
Chẳng hạn như cây trồng chỉ tập trung vào lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê. Vật nuôi được bảo hiểm chỉ có trâu, bò, lợn còn lĩnh vực thủy sản có tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Chính điều này khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa đến được với nhiều nông dân, HTX. Trong khi các HTX nông nghiệp hiện nay chiếm đến 70% và sản xuất đa dạng các loại vật nuôi, cây trồng.
Không chỉ vậy, điều kiện để được hưởng bảo hiểm phức tạp, giải quyết bồi thường thường chậm, thủ tục phiền hà, gây nhiều phiền phức cho người tham gia bảo hiểm.
Ngay trong Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng nông nghiệp có quy định giảm lãi suất cho vay khi bán kèm gói bảo hiểm. Vậy nhưng khó khăn đặt ra là đơn tham gia loại hình bảo hiểm chưa được quy định là một trong các căn cứ để bảo đảm tiền vay nên các hộ vay vốn vẫn phải thế chấp bằng tài sản đảm bảo hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thiên tai, dịch bệnh gây rủi ro cho người dân, HTX trong khi nông nghiệp là ngành hay bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. |
Chẳng hạn, một khoản vay tín dụng để nuôi trâu thì ngoài đàn trâu, bò hình thành từ vốn vay của loại hình bảo hiểm nông nghiệp, hộ thành viên HTX vẫn phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đáp ứng được điều kiện cho vay. Tuy nhiên, rất ít HTX vượt qua được điều này.
Còn theo các doanh nghiệp bảo hiểm, dù mang lại nhiều lợi ích nhưng việc thuyết phục người dân, HTX mua bảo hiểm nông nghiệp không dễ dàng. Bởi bảo hiểm nông nghiệp là loại hình có mức độ rủi ro cao nên mức phí bảo hiểm cũng cao tương ứng. Chính vì vậy, không phải hộ nông dân, HTX nào cũng đủ khả năng chi trả.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá nông sản bất ổn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như thời gian gần đây buộc các HTX phải tính toán chi ly làm sao cho khỏi lỗ. Việc phải mất thêm chi phí mua bảo hiểm, nhất là khi thời gian nuôi một lứa lợn thịt hay nuôi trâu bò theo hình thức vỗ béo chỉ khoảng 4-8 tháng và không phải lúc nào lợn, trâu cũng có thể mắc bệnh. Thế nên, dù biết lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhưng nhiều HTX chăn nuôi chẳng dám mua.
Hơn nữa, để mua bảo hiểm đã khó, việc duy trì hợp đồng còn khó hơn. Nếu trong một, hai năm đầu rủi ro không xảy ra, tức là HTX không được nhận bồi thường, thì bên mua thường ngừng tham gia tiếp trong những năm sau.
Lấy HTX làm trung tâm
Thực tế cho thấy, bảo hiểm nông nghiệp chưa đi vào thực tiễn phần lớn là do loại hình này chưa phổ biến, nhận thức của người dân, HTX về bảo hiểm còn hạn chế. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm phần lớn không quan tâm đến bảo hiểm nông nghiệp vi mô do hiệu quả thấp. Nhưng phần lớn người dân, thành viên HTX hiện nay có thu nhập chưa cao, quy mô chưa thật sự lớn nên theo đánh giá của các chuyên gia, tham gia bảo hiểm nông nghiệp vi mô sẽ hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam cho thấy hệ thống HTX sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phổ biến và hiệu quả của các mô hình bảo hiểm vi mô. Bởi HTX có mạng lưới rộng khắp, với số lượng thành viên lớn.
Chính vì vậy, HTX có thể thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên tinh thần tương hỗ với chi phí thấp, nhanh và tận tụy với người dân, điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm khó thực hiện. HTX là kênh truyền dẫn, phân phối hiệu quả, đưa nhiều sản phẩm dịch vụ, trong đó có bảo hiểm tới tận tay người dân, đặc biệt người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, HTX có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai loại hình bảo hiểm nông nghiệp. Lúc này, phí bảo hiểm được lấy từ giá trị gia tăng khi tham gia chuỗi (khi đó, hộ nông dân ký hợp đồng sản xuất theo chuỗi với HTX, hoặc doanh nghiệp tiêu thụ thì nhận được thẻ bảo hiểm).
Và phí bảo hiểm được tính ở một phần giá bán sản phẩm theo hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên (doanh nghiệp, HTX có thể ứng ra để mua bảo hiểm hoặc người sản xuất ứng ra mua). Còn đối với mô hình sản xuất đơn lẻ, hộ gia đình, việc đưa phí bảo hiểm tính vào giá sản phẩm sẽ làm tăng giá thành phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, muốn làm được các điều trên, văn bản pháp luật về bảo hiểm cần đưa ra quy định cụ thể về HTX thực hiện hoạt động bảo hiểm, nhất là bảo hiểm vi mô để lan tỏa bảo hiểm nông nghiệp đến nhiều người.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-CP về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Trong nghị định này đã quy định rõ cơ chế lãi suất cho vay khi bán cùng gói bảo hiểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngân hàng cần giảm một phần lãi suất để trả phí bảo hiểm khi người vay vốn được nhận thêm thẻ bảo hiểm.
Khi đó, các ngân hàng được đảm bảo vốn vay vì trường hợp rủi ro xảy ra trong sản xuất có thiên tai dịch bệnh, HTX, người dân đã có bảo hiểm, không bị nợ xấu và được lợi vì được giảm lãi suất để mua bảo hiểm, được hỗ trợ từ bảo hiểm nếu chẳng may xảy ra rủi ro.
Huyền Trang