HTX dịch vụ nông nghiệp Mộc Bắc (Hà Nam) đã triển khai phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy cho 80% trong tổng số gần 210 ha lúa. Đây là một trong những bước quan trọng để HTX hoàn thiện quy trình cơ giới hóa từ khâu bơm nước, làm đất, đến cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch.
Cơ giới hóa... đứt đoạn
Tuy nhiên, những HTX làm được như Mộc Bắc không nhiều. Theo đánh giá của các ngành chức năng, cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay chưa đồng bộ ở các khâu và giữa các lĩnh vực.
Chẳng hạn như trong sản xuất lúa, cơ giới hóa chỉ tập trung ở các vùng sản xuất lúa chuyên canh nhưng cũng chỉ được chú trọng vào khâu làm đất, thu hoạch, còn khâu gieo cấy, sơ chế, chế biến còn hạn chế. Ngoài ra, cơ giới hóa chỉ tập trung ở lĩnh vực sản xuất lúa, còn lĩnh vực cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản thì tỷ lệ ứng dụng cơ giới còn thấp.
Điều này là do hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng như giao thông nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước... cũng như mức độ tập trung ruộng đất ở nhiều địa phương còn hạn chế nên các HTX chưa thể đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng một cách đồng bộ.
Ông Hồ Sỹ Quảng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (Nghệ An) cho biết, cơ giới hóa trong sản xuất lúa của HTX hiện gặp không ít khó khăn. Ngay như việc sử dụng máy cấy mạ khay tại địa phương cũng chiếm tỷ lệ thấp.
Cơ giới hóa cần đồng bộ thì mới có thể mang lại hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp. |
Nguyên nhân là để sản xuất mạ khay, HTX cần diện tích mặt bằng lớn nhưng lại chỉ sử dụng theo thời vụ. Các công cụ hỗ trợ sản xuất như giàn gieo, khay mạ, thiết bị gieo, giá thể... có kinh phí đầu tư lớn, trong khi thời gian khai thác chỉ từ 20-30 ngày/năm.
Có lẽ ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư cho máy móc để thực hiện cơ giới hóa luôn là trăn trở đối với các HTX. Muốn đầu tư máy móc đồng bộ, hiện đại thì chi phí lớn. Tuy Nhà nước và một số tỉnh thành đã có chính sách hỗ trợ người dân, HTX cơ giới hóa nhưng ít HTX có thể tiếp cận được.
Ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải (Hà Nội) cho biết, mức hỗ trợ mua sắm máy móc hiện còn thấp. Cụ thể là Hà Nội có chính sách hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình tại địa bàn khó khăn, xã nghèo và hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình ở địa bàn còn lại.
“Điều này không còn phù hợp với các mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung, máy móc, thiết bị có công suất lớn. Mức hỗ trợ quá thấp không khuyến khích được HTX mua máy tốt, máy có công suất lớn”, ông Ban nói.
Với Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ mua máy móc nhằm thực hiện cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, theo thống kê của các tỉnh thành, đến nay mới chỉ có 1% trong tổng số khoảng 28.000 HTX được thụ hưởng chính sách này.
Ngoài ra, thực hiện Nghị định 02 ngày 8/1/2010 về Khuyến nông, nhiều HTX mong muốn được vay vốn khuyến nông để đầu tư máy móc. Nhưng muốn vay được vốn từ chương trình này, HTX phải có nguồn vốn chủ sở hữu, có tài sản đảm bảo tiền vay có giá trị lớn hơn giá trị vốn vay. Trên thực tế, nhiều HTX không thể tiếp cận được nguồn vốn vay vì tài sản đảm bảo không đủ để vay do diện tích nhỏ, do giá trị đất thấp hơn giá thực tế nhiều lần hoặc có những HTX có đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Những điều trên khiến cơ giới hóa trong HTX vẫn chưa được thuận lợi. Cơ giới hóa mới chỉ được thực hiện ở một vài khâu nên bị đứt đoạn, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị hàng hóa.
Loại bỏ những "hòn đá tảng"
Mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 trong trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thuỷ sản đạt 90%, lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Đặc biệt, đến năm 2030 sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 thế giới.
Để đạt mục tiêu này, đầu tư cho cơ giới hóa là điều cần thiết nhưng theo các chuyên gia, điều đầu tiên là cần loại bỏ những "hòn đá tảng" làm cản trở quá trình cơ giới hóa. Và một trong những việc cần làm ngay đó chính là tổ chức lại sản xuất kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, tri thức hóa nông dân, từ đó giúp máy móc phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, hầu hết các HTX đều chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ thiết bị, máy móc tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. Theo các chuyên gia, điều này có thể do HTX chưa đáp ứng được năng lực về tài chính, năng lực quản lý điều hành, chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nhưng nguyên nhân chính là do các điều kiện cho vay quá thắt chặt, trong đó ưu tiên cho hộ cá nhân nên gây khó cho HTX.
Chính vì vậy, cần điều chỉnh Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg một cách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ.
Cùng đó, sửa đổi bổ sung chính sách tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay nhằm khuyến khích nông dân, HTX mạnh dạn đầu tư mới máy móc thiết bị tiên tiến. Ngoài ra sẽ giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất máy móc thiết bị, từ đó hình thành liên kết với HTX.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, cơ chế chính sách về cơ giới hóa đã được Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ, nhưng thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đồng bộ, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế.
Điển hình là với chính sách hỗ trợ nông dân, HTX mua máy sản xuất nông nghiệp (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg), khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, HTX còn khó khăn do không có tài sản thế chấp. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí… nên hiệu quả chưa như mong muốn
Ngoài chính sách của Nhà nước, một số địa phương có chính sách riêng về cơ giới hóa nhưng mức độ hỗ trợ còn thấp. Nếu điều chỉnh mức hỗ trợ một cách hợp lý, phù hợp với giá cả thị trường sẽ khuyến khích được người dân, HTX đầu tư máy móc hiện đại, công suất lớn phục vụ các mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Huyền Trang