Nhờ những đóng góp không nhỏ của các mô hình hợp tác xã (HTX) đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 93/148 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 120/148 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 81%), trong đó, 52/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (43,3%)…
Lợi ích kép từ mô hình HTX sản xuất kiểu mới
Một trong những điển hình cho sự phát triển HTX sản xuất kiểu mới tại Quảng Ngãi có thể kể đến mô hình trồng măng tây kết hợp nuôi thỏ theo quy trình khép kín là hướng đi của HTX nuôi thỏ Quảng Ngãi. Đây là HTX chuyên sản xuất và cung cấp ra thị trường thịt thỏ và măng tây thương phẩm.
Măng tây được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ, khi thu hoạch phần ngọn để bán, phần gốc còn lại được tận dụng cho thỏ ăn. Ngược lại, phân thỏ sau khi xử lý vi sinh dùng để bón cho măng tây. Măng tây được bón bằng phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, giúp măng đặc ruột, chắc, ngọt và thơm ngon hơn.
Trại nuôi thỏ của anh Phạm Hùng Cường – Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi. |
Giám đốc HTX nuôi thỏ Quảng Ngãi Phạm Hùng Cường cho biết, cái khó nhất trong chăn nuôi là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy nhiên, HTX vẫn hoạt động ổn định vì đã đảm bảo được đầu ra cho thỏ thương phẩm cũng như măng tây, bởi sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng. HTX cũng thường xuyên hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho các xã viên có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Theo tìm hiểu của phóng viên Vnbusiness, HTX chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi là một trong những HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh. Đơn vị này đã và đang tạo luồng gió mới cho kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh phát triển, nhờ sức trẻ, sự nhanh nhạy, có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm. Cách làm mới của những nông dân trẻ đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Một mô hình khác tại thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức), hàng chục vườn rau của người dân được chuyển từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau hữu cơ. HTX sản xuất rau hữu cơ theo hướng VietGAP đã được thành lập.
Các hộ tham gia HTX đang hưởng “lợi ích kép” từ mô hình này. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường từ 15 - 20 tấn rau các loại, với giá cao gấp 2-3 lần so với rau trồng theo cách truyền thống. Ngoài ra, những phần rau già, sâu được người nông dân tận dụng để chăn nuôi gà, lợn. Người dân phấn khởi khi đời sống đã thay đổi hẳn từ khi trồng rau theo hướng hữu cơ.
Vườn rau của HTX trồng rau hữu cơ ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức). |
Theo người dân sống tại thôn An Mô cho hay, trước đây bà con trồng rau thường bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu. Nhưng từ ngày chuyển sang trồng rau hữu cơ thì không ai sử dụng thuốc trừ sâu nữa và chỉ bón phân hữu cơ nên sản phẩm làm ra rất an toàn cho người tiêu dùng.
Quảng Ngãi hiện có 227 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 99% HTX đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Số HTX được xếp loại khá, tốt chiếm trên 42%, có 54% HTX xếp loại trung bình, loại yếu chiếm 6%. Năm 2020, doanh thu bình quân của HTX đạt gần 1 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của HTX nông nghiệp khoảng 65 triệu đồng/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân từ lương của lao động làm việc thường xuyên tăng gấp 4 lần, từ 11 triệu đồng/năm (năm 2013) lên hơn 40 triệu đồng/năm (năm 2021).
Nổi bật là nhiều HTX do các trí thức trẻ thành lập có hiệu quả, tạo sức lan tỏa ở vùng nông thôn. Theo đại diện Liên minh HTX Quảng Ngãi, hoạt động của HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân. Qua đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì phải có HTX tổ chức sản xuất hoạt động hiệu quả, bền vững.
Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Để tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu phát triển sản xuất, năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, có 61 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Hiện, Quảng Ngãi có 227 HTXNN, trong đó, có 05 HTX trồng trọt, 02 HTX chăn nuôi, 02 HTX lâm nghiệp, 02 HTX diêm nghiệp, 11 HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản (04 nuôi trồng, 07 khai thác thuỷ sản) và 205 HTX tổng hợp. Trong 227 HTXNN có 219 HTX hoạt động và 08 HTX ngừng hoạt động. Số HTX thành lập mới trong năm 2022 là 13 HTX.
Quảng Ngãi có 227 HTX Nông nghiệp và 205 HTX Tổng Hợp. |
Về phát triển ngành nghề nông thôn, toàn tỉnh có 5.571 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động có hiệu quả với 07 nhóm ngành nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có 107 doanh nghiệp, 33 HTX; 07 tổ hợp tác và 5.424 hộ gia đình. Doanh thu hơn 962 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 8.800 lao động, thu nhập bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo nghề cho lao động đã góp phần đáng kể trong nâng cao trình độ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chủ yếu đào tạo các nghề như: Trồng và khai thác rừng, trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, chăn nuôi gia súc - gia cầm, kỹ thuật sơ chế bảo quản hoa màu, trồng nấm các loại và phòng chống dịch gia súc, gia cầm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: Năm 2022, Quảng Ngãi tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình hỗ trợ phát triển HTX, kinh tế hợp tác để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững.
"Hợp tác xã là bà đỡ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, là chỗ dựa cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Do đó, các địa phương phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX hoạt động và ngày càng phát triển" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền.
Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 120/148 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 81%), trong đó, 52/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (43,3%), 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (15,4%) và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Trong năm 2022, phấn đấu 7/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (53,8%), trong đó có 01 huyện được công nhận là huyện NTM nâng cao (chiếm 20% trong tổng số huyện đạt chuẩn NTM). 138/229 thôn (60,2%) thuộc các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND tỉnh quy định.
Duy Thế