Ông Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền, huyện Bắc Hà chia sẻ, xã Bản Liền đã 2 năm lỡ hẹn với NTM, do đó chúng tôi đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP theo chỉ tiêu 10.2 của tiêu chí 10 về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Và trong đó chè Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của địa phương này tìm được thị trường ở Mỹ và Châu Âu. Đây cũng chính là những thị trường khó tính nhất về chất lượng.
Đưa sản phẩm vươn ra thế giới
Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30km, xã Bản Liền được bao bọc bởi núi non trùng điệp nên có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc phong thủy hữu tình. Đặc biệt thổ nhưỡng ở nơi đây rất thích hợp để trồng chè. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên huyện Bắc Hà đã thành lập HTX Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn.
![]() |
Các HTX đang là điểm sáng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM. |
Điểm đặc biệt của chè Bàn Liền là người dân tham gia HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm.
Chè được trồng hoàn toàn tự nhiên nên trung bình mỗi tháng người dân chỉ thu hái một lần đảm bảo 25 tiêu chuẩn chè hữu cơ quốc tế. Nhờ đó, sản phẩm chè Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Lào Cai đã đạt “Chứng nhận hữu cơ” theo tiêu chuẩn ngặt nghèo của châu Âu, Canada và Mỹ… Đây là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường Châu Mỹ và châu Âu.
Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè. Với đồng bào Tày ở đây thì cây chè đã trở thành linh hồn của bản, đem lại no ấm cho người dân.
Hiện HTX đang sản xuất 10 loại chè khác nhau, trong đó 90 – 95% là thị trường Châu Âu, một phần vào Mỹ trung bình mỗi năm, người dân xã Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường khoảng 600 – 1000 tấn chè búp tươi, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cho người nông dân, ngoài ra còn có nhiều hộ tự sao và chế biến chè bán trong thị trường huyện cũng đem lại những nguồn thu đáng kể.
Hiện trung bình mỗi ha chè trên địa bàn xã có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, lúa, nhiều hộ gia đình cũng có thu nhập ổn định từ trồng chè và vươn lên thoát nghèo.
Nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2021, người dân trong xã thu khoảng 21,2 tỷ đồng từ cây chè, đồng thời biến các sản phẩm OCOP trở thành lợi thế thu hút khách du lịch, đảm bảo quyết tâm đạt chuẩn xã nông thôn mới.
“Năm nay, chúng tôi đang phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân của người dân từ 39 triệu đồng/người/năm trở lên, đưa mục tiêu đạt xã chuẩn NTM trong năm 2022”, ông Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền cho hay.
Phát triển hàng hóa để nâng cao thu nhập
Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai Nguyễn Trung Kiên cho biết, thời gian tới, chương trình xây dựng nông thôn mới còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, như: Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 nâng cao hơn trước, các xã phấn đấu “về đích” nông thôn mới trong giai đoạn này là các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), đồng thời nguồn lực đầu tư cũng hạn chế.
![]() |
Chương trình OCOP cũng là giải pháp quan trọng để các địa phương trong tỉnh hoàn thành, nâng cao tiêu chí xây dựng NTM. |
Do đó, để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, các địa phương cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong thực hiện các tiêu chí, khơi dậy và phát huy hiệu quả nội lực trong nhân dân.
HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương là một trong những HTX tiêu biểu, đi đầu trong chương trình OCOP của huyện Bắc Hà với 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, Tinh bột nghệ đen nguyên chất, Tinh bột nghệ viên mật ong và Tinh bột sắn dây.
“Mùa nào thức nấy, các mặt hàng của đơn vị thu mua về rất phong phú trước khi đưa vào sản xuất, sơ chế đóng thành sản phẩm, như Nấm hương SaPa, Củ hoàng sin cô, Tam thất, Bột/viên hà thủ ô, Viên trinh nữ hoàng cung cao xạ đen, Bột/viên tinh bột nghệ, Bột sắn dây... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy nhu cầu thị trường nên đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ nghệ để người dân có thêm lựa chọn trong việc tìm sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương cho biết.
Hay như tại HTX nông nghiệp Trọng Tín (TP Lào Cai) đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc trồng dưa trên đất trong nhà lưới không mang lại hiệu cao. Năm 2019, anh Phạm Quang Thịnh sau khi tốt nghiệp đại học Nông nghiệp đã về làm việc tại HTX và đề xuất trồng dưa lưới trên giá thể và được áp dụng, nhờ đó cây dưa phát triển tốt, quả to.
“Với diện tích trồng là 3.200 m2, cây dưa cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả, sản phẩm dưa vân lưới của HTX Trọng Tín đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, góp phần chung tay xây dựng NTM trên quê hương”, ông Phạm Quang Thịnh, Giám đốc HTX chia sẻ.
Có thể khẳng định, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là góp phần xây dựng NTM, việc phát triển các sản phẩm OCOP, đang tạo đà để các địa phương của tỉnh Lào Cai sớm có sản phẩm OCOP nâng cao thu nhập người dân, đặc biệt là các xã vùng cao đang trên lộ trình xây dựng NTM. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cũng cần mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết trong việc bao tiêu sản phẩm... để hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng thiết thực.
Đoàn Huyền