Một trong những chủ thể được Ninh Hòa chú trọng vận động, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP là các HTX. Từ đó, nhiều HXT đã đạt được thành công trong phát triển các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao.
Lan tỏa từ mô hình điểm
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang, xã Ninh Quang được đánh giá là đơn vị tiên phong xây dựng sản phẩm OCOP, với việc phát triển cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng thương hiệu đặc trưng của HTX.
Gạo Ngọc Quang được thị trường ưa chuộng, mở rộng đầu ra sau khi được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP. |
Năm 2016, HTX đã cho ra mắt sản phẩm gạo chất lượng cao với tên gọi “Ngọc Quang” do HTX sản xuất và chế biến theo mô hình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Gạo Ngọc Quang là kết quả của đề tài nghiên cứu giống lúa chất lượng cao do Sở NN&PTNT Khánh Hòa và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện. Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Khánh Hòa cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Gạo Ngọc Quang được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8, có phẩm chất gạo ngon, cơm dẻo vừa, thơm nhẹ, được thị trường ưa chuộng.
Tiếp đó, để phát triển sản phẩm gạo Ngọc Quang, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao cho sản phẩm gạo Ngọc Quang của HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang. Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Năm 2019, HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang đã tiến hành xây dựng sân phơi lúa 500 m2, kho bảo quản 300 m2, xưởng chế biến 200 m2, đưa dây chuyền chế biến, đóng gói gạo có sẵn từ trước vào hoạt động, công suất 1 tấn/giờ, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về chế biến gạo và mở rộng diện tích sản xuất ổn định 15ha, đảm bảo cung cấp cho thị trường bình quân 10 tấn gạo/tháng…
Để phát triển thương hiệu và đưa sản phẩm gạo Ngọc Quang vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh, năm 2019, HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang đã đưa sản phẩm gạo Ngọc Quang tham gia chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa và sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng chuẩn 3 sao.
HTX cũng đã tập trung hiện đại hóa hệ thống canh tác theo chuẩn VietGAP và thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Đến nay, mô hình sản xuất lúa tại địa phương đã đi theo hướng hàng hóa với mức độ cơ giới hóa cao. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất hiện đại nên có thể thu hồi phụ phẩm tấm, cám; trấu được dùng để đốt sấy lúa, sản xuất củi trấu; tăng thêm thu nhập cho nhà nông và không gây ô nhiễm môi trường.
Thành tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của thị xã Ninh Hòa đã có nhiều khởi sắc. Đến hết năm 2021, thị xã đã có 16/20 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã NTM nâng cao (xã Ninh Quang). Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; nhà ở dân cư được kiên cố hóa, không còn nhà tạm, dột nát...
Nhiều sản phẩm OCOP của thị xã Ninh Hòa đã vào được các kênh phân phối hiện đại (Ảnh: Int) |
Đặc biệt, đã có nhiều mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả hơn được áp dụng, từ rau VietGAP ở Ninh Đông, Ninh Thân đến các thương hiệu gạo Ngọc Quang, dừa xiêm Ninh Đa, gà nòi thương phẩm Ninh An, nấm Ninh Hưng… dần xuất hiện ngày một nhiều hơn. Trong năm 2022, có thêm các sản phẩm như: Bồ câu Quốc Anh ở Ninh Sơn, trà dược liệu xáo tam phân ở Ninh Tân, khoai sáp ruột vàng ở Ninh Lộc… hứa hẹn mở thêm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã này. Ngoài ra, ở khu vực phía Tây của thị xã đã định hình được các mô hình trang trại tổng hợp trồng các loại cây như: xoài, bưởi, bơ, măng tây, mít… theo hướng hữu cơ, bền vững. Các khu vườn này không chỉ cho ra thị trường nhiều loại nông sản chất lượng cao, mà còn là điểm đến trong tương lai gần của những “tín đồ” du lịch trải nghiệm, khám phá...
Đáng chú ý, lãnh đạo thị xã Ninh Hòa cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương có xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 triển khai Chương trình OCOP. Theo đó, Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đối với tiêu chí số 13 - Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn - có chỉ tiêu “Có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn”. Vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương có xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 khẩn trương triển khai thực hiện tiêu chí 13.2 đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn xã.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2022, tỉnh Khánh Hòa sẽ có 62 sản phẩm của 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Trong đó, thị xã Ninh Hòa có 12 sản phẩm (bưởi da xanh, bánh tráng, thịt gà, thảo mộc gội đầu túi lọc, bồ câu thịt, trà dược liệu xáo tam phân, cà phê rang xay, dừa quả, khoai sáp ruột vàng, nước yến sào…).
Ngày 20/7 vừa qua, UBND thị xã Ninh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 2959/KH-UBND về việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thị xã.
Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 16/7/2021 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ninh Hòa khóa XIX về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thị xã Ninh Hòa giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 4/8/2021 của HĐND thị xã Ninh Hòa về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thị xã Ninh Hòa giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2025, thị xã Ninh Hòa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với 20/20 xã đạt chuẩn NTM; có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 50%) và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 10%).
Đại diện UBND thị xã Ninh Hòa khẳng định, trong giai đoạn 2021-2025, thị xã tiếp tục coi công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến tiến độ thực hiện chương trình NTM. Do đó, UBND thị xã thường xuyên chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ và nhân dân, giúp mỗi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, phát huy nội lực, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác, chủ động tham gia. Trong công tác xây dựng NTM, thị xã cũng tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng các sản phẩm OCOP, trong đó dành cho khu vực kinh tế tập thể, HTX vị trí đặc biệt quan trọng.
Theo đó, thị xã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có trên 50% số HTX khá, giỏi; trên 80% HTX hoạt động ổn định, có lãi; thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong HTX lên 47 triệu đồng.
Đức Nguyễn