Theo thống kê, Hà Nội đã 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng.
Bài toán đầu ra
Bên cạnh vấn đề bảo đảm chất lượng để được công nhận và nâng sao, khó khăn của các HTX hiện nay chính là đầu ra cho sản phẩm.
Anh Phùng Đắc Dũng, thành viên HTX Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé (Gia Lâm) cho biết, HTX có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng thuộc lĩnh vực không thiết yếu, chỉ được một mảng khách hàng nhất định tiêu thụ nên ngay khi thành lập đến nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm luôn là nỗi trăn trở của các thành viên.
Mong muốn của anh Đắc cũng như các thành viên HTX Bà Bé là sản phẩm sẽ có thêm nhiều cơ hội được kết nối, tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị hoặc với các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, từ đó có đầu ra ổn định hơn.
Còn Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP và cũng là sản phẩm thiết yếu nhưng do có trọng lượng lớn nên dù đã đóng gói thành các bao nhỏ HTX cũng khó vận chuyển, nhất là bán theo hình thức online rất hạn chế. “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các cơ quan, đơn vị, để tạo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm hơn nữa”, ông Kiên nói.
HTX Bà Bé đang tập trung sản xuất và cung cấp các sản phẩm tinh dầu. |
Tình trạng của hai HTX trên cũng là khó khăn chung đối với nhiều HTX đang có sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo các chuyên gia, sản phẩm OCOP thường được sản xuất theo mùa vụ nên chỉ có thể đưa ra thị trường trong một thời gian nhất định trong năm, nhất là những sản phẩm đặc sản vùng miền. Đây chính là điểm yếu của các sản phẩm OCOP nên khó đáp ứng được các đơn hàng lớn cho các doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp, nhất là các siêu thị lại yêu cầu HTX phải cung cấp được đơn hàng thường xuyên, với số lượng nhất định.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, điểm yếu của sản phẩm OCOP cũng chính là điểm mạnh mà các mặt hàng đại trà khó có thể lấn át. Đó là do tính mùa vụ nên giá cả của sản phẩm OCOP cũng thường cao hơn những mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP là điểm nhấn nổi bật gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sức bật quan trọng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiến lên sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và xây dựng chuỗi theo hướng bền vững. Nếu các HTX tìm được chỗ đứng vững vàng cho các sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu thì giá trị kinh tế mang về cũng không hề nhỏ.
Theo các chuyên gia, điều cần làm hiện nay là các HTX nên đầu tư để đa dạng sản phẩm. Khi sản phẩm này hết trên thị trường, HTX sẽ tiếp tục có sản phẩm khác để tiếp cận với khách hàng và đối tác. Đây cũng là cách giúp HTX ổn định đầu ra, quay vòng sản xuất.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều HTX vẫn chưa hiểu được vai trò và tận dụng được thế mạnh của hình thức quảng bá hay marketing online. Vì vậy, không ít HTX phải “tự bơi” trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm... Cùng đó, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường hiện mới được kết nối lại nên việc tìm kiếm khách hàng của HTX có thể chưa được như mong muốn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Để thúc đẩy tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP của các HTX, Hà Nội rất quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP của các HTX từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, TP.Hà Nội đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, sau hơn 3 năm triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP đang dần trở thành thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận tích cực. Đây cũng là động lực để các HTX tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh và đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng rất cần sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, các chủ thể OCOP từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đến mẫu mã bao bì... từ đó đáp ứng được các tiêu chí đánh giá phân hạng của Hội đồng đánh giá.
Ông Phùng Văn Hải, thành viên HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì, cho biết dù sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao nhưng vấn đề liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề đơn giản, dễ dàng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp thành phố. Thông qua đó, giúp cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, để thích ứng với thời đại công nghệ số, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX chuyển đối số để đổi mới trong việc tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh xuất khẩu. Gần đây nhất, thành phố đã hợp tác với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các chủ thể mở các gian hàng trên tik tok shop. Hy vọng đây sẽ tiếp tục là bước ngoặt trong khơi thông đầu ra cho các HTX có sản phẩm OCOP.
Với mong muốn tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP trên thị trường, Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để 100% xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP.
Minh Nhương