Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp gồm tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm; tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP; đồng thời giám sát chặt chất lượng từng sản phẩm.
Tiên phong trong các sản phẩm OCOP
Trên tổng diện tích hơn 10ha, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Khánh Phong, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh đưa vào canh tác đa dạng các loại cây ăn quả như ổi, táo, bưởi, đu đủ… Trong số này, ổi Đài Loan là giống cây chủ lực, chiếm hơn 5ha.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, HTX Khánh Phong đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Không chỉ là địa chỉ tin cậy của thương lái từ Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hải Phòng, sản phẩm của HTX Khánh Phong còn được phân phối tại nhiều cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội.
Ổi của HTX Khánh Phong là một trong số 55 sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh. |
HTX tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng khoa học kỹ thuật, nói không với phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu; chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và các loại thuốc trừ sâu sinh học. Quy trình này giúp sản phẩm của HTX có năng suất và chất lượng vượt trội.
Giám đốc Hợp tác xã Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm: Ổi của HTX Khánh Phong là một trong số 55 sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh. Điều đáng khích lệ là hai sản phẩm gồm ổi Đài Loan và đu đủ của đơn vị đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt 4 sao trong Chương trình OCOP. Điều này giúp việc tiêu thụ trái cây của hợp tác xã không chỉ thuận lợi hơn mà giá trị cũng được nâng cao đáng kể.
Cũng theo ông Lâm, HTX đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” www.chonhaminh.gov.vn của thành phố. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Ikonfoods (Hà Nội), An Mộc (Hải Phòng), ZoZo food (Yên Bái)…
“HTX sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất theo vùng chuyên canh, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật, đầu tư chế biến, minh bạch hóa các khâu sản phẩm. Bên cạnh đó, bắt tay với kênh phân phối hiện đại, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”, ông Lâm chia sẻ.
Sản phẩm của HTX Khánh Phong chỉ là một trong số hàng nghìn sản phẩm được TP. Hà Nội đã công nhận OCOP và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm này đi xa ra các thị trường trong và ngoài nước.
Tính đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao).
XTTM để sản phẩm OCOP “bay xa”
Để đưa các sản phẩm OCOP nói chung, sản phẩm của các HTX nói riêng đến với người tiêu dùng, các ngành chức năng của TP. Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) thông qua các hội chợ, các buổi gặp gỡ, kết nối nhằm tìm lối ra cho các sản phẩm chất lượng này.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện tại, TP. Hà Nội đã mở trên 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu thông qua chính sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem, nhãn sản phẩm OCOP. Đây là việc làm hết sức cần thiết được Thành phố thực hiện công khai, hiệu quả trong năm 2021 và sẽ được duy trì xuyên suốt trong năm 2022.
Thông qua các hội chợ XTTM, nhiều sản phẩm OCOP đã đến gần hơn với người tiêu dùng và có cơ hội "bay xa" tới các thị trường trong và ngoài nước. |
Từ sự hỗ trợ của chính quyền thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cải tiến mẫu mã, bao bì..., tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát huy giá trị các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Những kết quả đạt được đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của Thành phố sớm về đích.
Đây cũng là lý do mà "Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022" (Hanoi Agriculture Fair 2022) sẽ được Thành phố tiếp tục tổ chức trong tháng Tám này, nhằm giới thiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường.
Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối hiện đại của Tập đoàn AEON; xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, OCOP tạo điểm nhấn kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm...
Được biết, năm 2022, TP. Hà Nội sẽ đánh giá, xếp hạng cho khoảng 400 sản phẩm, nhưng hiện đã có tới 488 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng. Con số này cho thấy chương trình OCOP đã lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân và các HTX trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy việc đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online…, qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác. Quan trọng hơn nữa là tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU…
Đức Anh