Thành công bước đầu
Đến thăm vườn măng tây của ông Phạm Số (thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung). Trên diện tích 0,2ha, 4.000 cây măng tây được trồng đang phát triển rất tốt. Sau 5 tháng trồng, măng tây thu hoạch sớm hơn dự kiến 1 tháng. Bình quân mỗi ngày, ông Số thu được 18 - 20kg măng tây, bán với giá từ 50 - 80 nghìn đồng/kg.
Ông Phạm Số phấn khởi với vụ thu hoạch lứa măng tây đầu tiên (Ảnh: TL) |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Số hào hứng: "Tôi chưa thấy loại nông sản nào đem lại thu hoạch cao như măng tây. Cứ chăm chỉ nhổ cỏ, bón phân, còn tưới nước thì có hệ thống tưới nhỏ giọt, như vậy măng tây sẽ phát triển rất tốt. Thấy vườn măng tây nhà tôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm 800m2 đất để trồng măng tây".
Không riêng gì hộ ông Số, ở huyện Bình Sơn hiện có một số hộ trồng măng tây như hộ ông Phạm Thanh Sơn (trồng hơn 1.000m²), ông Huỳnh Luôn (trồng 870m²), đều ở thôn Phú Nhiêu 1, xã Bình Phú; ông Phạm Trung Trường (trồng 0,2ha), ở thôn Thọ An, xã Bình An. Cả 3 hộ này đang hy vọng khoảng hơn 1 tháng tới măng tây sẽ cho những "trái ngọt".
Cả bốn hộ nêu trên đều là những người đầu tiên được chọn tham gia mô hình “Thử nghiệm trồng măng tây xanh trên địa bàn huyện Bình Sơn” do UBND huyện Bình Sơn đầu tư, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Mở rộng phát triển
Ông Phạm Hồng Nguyên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết: Trước khi trồng thử nghiệm, huyện đã thành lập THT với 20 nông dân tham gia rồi cử đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng măng tây xanh ở tỉnh Quảng Nam.
Thời gian tới huyện Bình Sơn đang có kế hoạch làm du lịch cộng đồng từ măng tây (Ảnh: TL) |
Sau đó, huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng măng tây cho các hộ dân thuộc THT ở 3 xã: Bình Trung, Bình Phú và Bình An. Phòng NN&PTNT huyện chọn ra 4 hộ trồng thử nghiệm măng tây tại ba xã này, với diện tích mỗi xã là 0,2ha. Các hộ dân được cấp 100% giống măng tây xanh Hà Lan, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tre cắm trồng măng tây...
Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn còn thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn kiểm tra việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh trên các cánh đồng trồng măng tây. Nhờ giám sát chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình từ làm đất, trồng, bón phân, phun thuốc, tưới nước... nên măng tây sinh trưởng phát triển tốt.
“Sau quá trình trồng thử nghiệm, nếu măng tây thích nghi với đất đai, khí hậu ở huyện Bình Sơn, chúng tôi sẽ động viên người dân mở rộng diện tích, đầu tư trồng măng tây xanh để mang lại lợi ích kinh tế cao”, ông Nguyên cho biết.
Được biết, thời gian tới huyện có định hướng làm du lịch cộng đồng từ cây măng tây. Tuy nhiên, để thành công vẫn cần có sự trợ sức, hướng dẫn từ ngành chức năng lẫn chính quyền địa phương.
Nhật Nam