Từ sự thay đổi nhận thức của người dân và hành động của các cấp, các ngành trong việc đổi mới phương thức chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề truyền thống..., nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Quản Bạ (Hà Giang) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Đổi mới tư duy sản xuất
Với đặc thù của một địa phương có 100% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, số lượng thanh niên nông thôn làm ăn xa quê ngày càng gia tăng, chính quyền xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ luôn trăn trở làm sao giữ lực lượng này ở lại quê hương phát triển kinh tế.
Để thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ cao trở lại quê hương làm việc, vấn đề hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập là cốt lõi, vì vậy, xã Tùng Vài đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên kêu gọi các bạn trẻ cùng nhau liên kết làm kinh kế.
Đến nay, xã đã hình thành được các mô hình có tiềm năng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao như Tổ hợp tác thanh niên thôn Bản Thăng nuôi trên 600 con vịt bầu cổ ngắn; mô hình sản xuất của HTX Suối Vui kinh doanh phân bón, chế biến chè, vật liệu xây dựng, hay mô hình tổng hợp về chăn nuôi và sửa xe máy…
Anh Nguyễn Cao Chiến, Giám đốc HTX Suối Vui cho biết, HTX đang thu hút được 17 thành viên, với trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công suất chế biến đạt khoảng 8 tấn chè tươi/ngày, trong đó chè sản xuất theo quy trình qua máy sao, vò đạt 3 tấn/ngày. Ngoài xuất bán cho các thương lái, HTX còn xuất khẩu sang Trung Quốc giúp mang lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm.
Đổi mới tư duy sản xuất là điểm tựa để người dân tại các địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu. |
Cũng có đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực ở bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thời gian qua đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông để trồng cây mắc ca. Sự hợp tác này đã tác động rất lớn đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số trong vùng.
Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra mắt được hơn một năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đăk Nông và các thị trường lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.
Hiện nay, nhiều bà con dân tộc M'nông ở xã Quảng Trực nói riêng và huyện Tuy Đức đã thoát nghèo và làm giàu từ cây mắc ca nhờ năng nổ, tích cực liên kết với HTX và các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu, ổn định đầu ra, giá cả phù hợp.
Chị Thị Bem, dân tộc M'nông, ở bon Buprăng II, xã Quảng Trực cho biết, gia đình chị trồng 1.700 cây mắc ca trên diện tích 5 ha từ năm 2014 và cho thu nhập khá tốt.
Ngoài ra, chị đang có dự định chuyển 5 ha đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng mắc ca vì thấy loại cây này dễ trồng hơn và rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Quảng Trực. Đặc biệt là mắc ca có đặc điểm cây càng lớn càng cho trái sai, thu hoạch năm sau cao hơn năm trước và không phải chăm sóc nhiều.
Tạo cú hích bằng liên kết
Tương tự, xã Sơn Ba thuộc huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) có 90% dân số là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Thời gian gần đây, nhờ phát triển nghề nuôi heo ky (loại heo rừng lai với heo bản địa) đã giúp nhiều hộ đồng bào Hrê trong xã từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình này.
Cách đây 3 năm, xã Sơn Ba triển khai thực hiện dự án “Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ heo ky” với 35 hộ dân trong xã. Tham gia vào dự án, bà con Hrê được Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh ở heo ky.
Khi tham gia vào dự án, chị Lê Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi heo ở Làng Ranh (xã Sơn Ba), cho biết các hộ dân Hrê đã biết liên kết trong chăn nuôi bằng việc đóng góp ngày công, góp tiền làm chuồng nuôi nhốt tập trung, mỗi hộ góp từ 1 - 2 sào đất để trồng rau làm thức ăn cho heo và phân công mỗi gia đình chăm sóc heo 1 tuần theo hình thức xoay vòng.
Hiện nay, việc nuôi heo ky của bà con Hrê ở xã Sơn Ba khá hiệu quả và có thể coi là “cú hích” để nhân rộng tại các điểm nuôi heo ky tập trung tại các xã Sơn Linh, Sơn Thượng, Sơn Ba thuộc huyện Sơn Hà.
Qua đó không những giúp bà con nghèo người Hrê trên địa bàn huyện Sơn Hà thoát nghèo mà còn giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Mô hình còn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân Hrê liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm và chế biến, tiêu thụ sản phẩm về lâu dài, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng trăm hộ dân.
Trên địa bàn huyện Sơn Hà có 4 dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong, Kinh cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu chiếm 87% dân số toàn huyện. Trong 5 năm qua, chính quyền huyện đã triển khai kịp thời các chương trình, dự án, chính sách, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giúp đồng bào thiểu số giảm nghèo, trong đó có bà con Hrê (vốn chiếm dân số đông ở huyện).
Lệ Chi