Nhờ những cải tiến không ngừng trong sản xuất, bằng những nguyên liệu truyền thống từ cây tre, HTX tre Tiên Cầm (quận Kiến An, TP. Hải Phòng) đã "thổi hồn" vào từng sản phẩm bàn ghế, đồ gia dụng... tạo việc làm thu nhập cao cho hàng chục lao động.
Nâng cao giá trị nghề “cũ”
Năm 2021, sản phẩm của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP cấp thành phố. Đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hiện HTX sản xuất hơn 30 mẫu mã sản phẩm gồm các loại như: Hộp đựng giấy, khay đựng đồ, giỏ xách, ngựa bập bênh trẻ em và nhiều sản phẩm dùng trong nhà bếp (ống đựng đũa, giá đựng dao, thớt, lọ, bát đĩa, khay đựng đồ, bộ lót ly tre ép...).
Đối với sản phẩm nội thất, HTX hiện đang cung cấp ra thị trường sản phẩm sàn tre, ốp trần, ốp tường, bàn ghế, tủ bếp... HTX thiết kế và làm theo đơn đặt hàng của khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Năm 2021, doanh thu của HTX đạt hơn 5 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2022, tổng doanh thu HTX đạt 8 tỷ đồng. HTX cũng đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức lương trung bình từ 8 đến 15 triệu/người/tháng.
Anh Ngô Văn Đức 35 tuổi là thợ cơ khí hiện đang phụ trách kỹ thuật tại xưởng sản xuất của HTX Tre Tiên Cầm, cho hay HTX có đội thợ chuyên đi thi công, lắp dựng nội thất từ tre theo yêu cầu của khách hàng. Công việc không quá nặng nhọc, vì hầu hết các công đoạn đều có máy móc trợ giúp. Môi trường làm việc sạch sẽ, không ô nhiễm nên tôi xác định gắn bó lâu dài tại HTX.
Không chỉ là các trường hợp đơn lẻ, vai trò của HTX trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững với những ngành nghề truyền thống đang được thể hiện rất rõ nét ở nhiều địa phương.
Dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là động lực để thúc đẩy, gia tăng giá trị nghề truyền thống. |
Điển hình như tại huyện Quản Bạ (Hà Giang), vài năm trở lại đây, các sản phẩm lanh truyền thống của huyện Quản Bạ đã dần được thị trường đón nhận và vươn ra thị trường thế giới như Pháp, Malaysia...
Từ những cây lanh thô ráp, người phụ nữ Mông tại địa phương đã khéo léo may thành vỏ chăn, gối, khăn trải bàn, khăn trang trí, túi xách… được dùng ở nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng và lịch sự.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy nghề dệt lanh đã xuất hiện điểm sáng là HTX Lanh Cán Tỷ. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường, song với sự đồng hành của địa phương, sự đoàn kết của các thành viên, HTX đang hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ nghề dệt truyền thống.
Chị Giàng Thị Say, Giám đốc HTX Lanh Cán Tỷ cho biết, HTX hiện có 28 thành viên, đã hoạt động hơn 14 năm nay. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trong xã và phụ nữ đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc về.
Trao “cần câu” cho người dân
Đặc biệt, không chỉ phát triển các sản phẩm lanh, HTX Lanh Cán Tỷ còn tìm cách bảo tồn thông qua việc dạy cho thế hệ trẻ nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc.
Em Giàng Thị Mơ, dân tộc Mông, 17 tuổi ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, chia sẻ: “Em học dệt vải lanh từ khi học lớp 6. Mỗi năm, cứ đến dịp hè là em lại tham gia học lớp dệt vải lanh và làm sản phẩm lanh. Đến nay, em đã có thể tự làm tất cả các khâu để làm ra sản phẩm lanh và giúp mẹ làm việc mỗi khi có thời gian rảnh”.
Thời gian qua, với mong muốn nâng cao tay nghề cũng như đáp ứng nhu cầu khách hàng, HTX Lanh Cán Tỷ thường xuyên tổ chức cho các thành viên đi học hỏi thêm về các mẫu sản phẩm của dân tộc Mông ở địa phương khác, hiện đại hóa các họa tiết mà vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc và nâng cấp máy móc ngày một hiện đại hơn, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất và kết nối thêm nhiều thị trường tiêu thụ.
Tương tự, huyện Tân Châu (Tây Ninh) thời gian qua cũng có những chuyển biến ấn tượng trong công tác xóa đói giảm nghèo nhờ những nghề truyền thống, thế mạnh tại địa phương. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ về vốn ưu đãi của huyện đang phát huy hiệu quả rất tốt.
Đơn cử, ở xã Tân Hội thuộc huyện Tân Châu có gia đình bà Hoàng Thị Cường, dân tộc Tày, trước đây có hoàn cảnh khá khó khăn. 3 năm trước, gia đình bà được hỗ trợ vay 15 triệu đồng để đầu tư nuôi bò vỗ béo. Đến năm 2019, gia đình bà được ngân hàng chính sách xã hội giải quyết cho vay thêm 50 triệu, mua 3 con bò, trong đó có một con bò cái sinh sản.
Đến nay, sau khi đã trả hết các khoản vay, gia đình bà vẫn còn 4 con bò, trong đó có một bò cái sinh sản và 2 con bò nuôi vỗ béo để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Những kết quả từ thực tế cho thấy sự đồng hành của địa phương với các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực là nền tảng để thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực tự thân của từng cá nhân, các địa phương cần đẩy mạnh thêm nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là đẩy mạnh vai trò của các HTX, doanh nghiệp trong việc tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất, phát huy các ngành nghề truyền thống, thế mạnh của địa phương để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Lệ Chi